chín của họ. Ở nửa sau thế kỷ thứ mười chín, các nhà văn ấy đã được phép
nói lên mọi ý kiến của họ. Cần phải nghiên cứu kỹ thời kỳ đó, bởi vì bấy
giờ họ không chỉ nói về quá khứ, mà còn chủ yếu là nói đến tương lai... Tôi
tự rút ra kết luận cho mình rằng bản tính của người Nga là thích ngoảnh lại
các mẫu mực lý tưởng trong quá khứ hơn là táo bạo xây dựng mẫu mực
trong tương lai. Tôi nghĩ rằng thế nào họ cũng sẽ trông chờ vào giai cấp
nông dân của nước Nga, vì họ say sưa với ý nghĩ rằng ruộng đất sẽ chữa
khỏi mọi căn bệnh và hợp nhất tất cả mọi thứ. Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ đi
đến chỗ xung đột với thời đại, một sự xung đột không có lối thoát. Trình độ
phát triển kỹ thuật sẽ không cho phép trông chờ vào ruộng đất...
– Cái đó thú vị đấy, – vị linh mục nói. – Nhưng tôi chỉ ngại rằng, trong
khi lập luận, ngài đã đặt mình cao hơn họ, chứ không phải ở bên cạnh họ...
– Ngài kêu gọi tôi gia nhập hàng ngũ Đảng cộng sản Nga (b) chăng? –
Dulles mỉm cười. – Họ không kết nạp tôi vào Đảng của họ đâu.
Vì mấy lời đầu tiên của Dulles mà Himmler không dám gửi lên Quốc
trưởng bản báo cáo đó. Nhưng ngay ngày hôm ấy, hắn ra lệnh tăng cường
công tác ở các binh đoàn của người dân tộc: Turkestan, Ukraina, vùng ven
biển Baltic. Hắn cũng yêu cầu chú ý đến những người tài năng và có học
vấn hơn cả tại các binh đoàn ấy để có thể tuyển mộ họ vào làm việc ở cơ
quan SD ngay lúc này, nhưng chủ yếu là để họ làm việc trong tương lai...
Ngày hôm sau, Kaltenbrunner gửi cho trung tướng Kruger, phó giám
đốc Sở Gestapo ở Praha, một bức điện mật, yêu cầu chọn người làm nhiệm
vụ hủy diệt Praha: không chỉ lấy các nhân viên trong bộ máy SS và SD, mà
còn tìm cả những kẻ tay sai đắc lực là người Tiệp cam tâm bán rẻ tổ quốc
của họ nữa...
Ở đồn biên phòng, Stierlitz giải quyết nhanh chóng tất cả mọi vấn đề:
viên thượng úy chỉ huy đồn, một tay thợ săn chuyên nghiệp, hóa ra là một
thanh niên dễ chịu, biết chiều lòng khách. Ban đầu, Stierlitz thậm chí ngạc