thì tôi không rõ bây giờ hắn đã leo đến đâu rồi: ở nhà chúng ta hay ở nhà
khác nào gần khu vực cổng Brandenburg.
– Tại sao ông ta lại không thích ngài đến thế?
– Vì hai lý do, – Schellenberg đáp. Thậm chí y cũng không cần suy
nghĩ gì cả, rõ ràng là y đã nghĩ nhiều đến vấn đề đó. – Một là, tôi trẻ hơn
hắn hai lần...
– Gần hai lần thôi, – Stierlitz lẩm bẩm chữa lại cho đúng.
– Trong trường hợp này, chữ “gần” không quan trọng. Thậm chí
ngược lại, hắn sẵn sàng nói rằng hắn già hơn tôi gấp ba lần – tôi không phải
là phụ nữ, còn hắn không phải là một con gà trống ghẹ mái. Còn về điểm
thứ hai, thì bất cứ kẻ nào buộc phải xếp bút nghiên để kiếm miếng bánh
bằng sức lao động của mình cũng đều không thích một người gặp may, vừa
tốt nghiệp đại học đã làm nên sự nghiệp và danh vọng trong vòng ba năm.
Trong khi đó, hắn phải bỏ cả cuộc đời mới làm được như vậy. Có lẽ còn
một điểm thứ ba nữa... Điểm này tôi vừa nghĩ đến: anh biết đấy, cuộc sống
có cái rất lạ là một số người này chỉ chuyên suy nghĩ, còn số người khác thì
thi hành mệnh lệnh. Bởi thế, rõ ràng là Müller rất ghen tức với tôi, vì tôi rất
ít khi phải thi hành. Tôi suy nghĩ là chính. Còn hắn thì bao giờ cũng phải
thi hành mệnh lệnh, phải bắn giết, lùng bắt. Anh biết đấy, điều đó chạm đến
lòng tự ái của con người. Tôi đã đến gặp hắn mấy lần để thu xếp quan hệ
đôi bên cho ổn thỏa... Không, hắn ghen tức với tôi như một mụ nông dân
xứ Bavaria, vì tôi tranh thủ được cảm tình của ngài Thống chế SS, ngài
Heydrich quá cố và...
– Tôi hiểu, – Stierlitz cười khẩy, – tôi hiểu điều ngài chưa nói ra...
– Cái gì anh cũng biết cả, – Schellenberg cũng cười khẩy. – Thôi, để
Chúa phán xử hắn. Rốt cuộc, chúng ta đều làm công việc chung và đành
phải chịu đựng cả những điều mà tất cả chúng ta đều không muốn chịu
đựng... Mặt khác, có ai muốn cầm đầu cái đoàn xe vệ sinh là cơ quan
Gestapo đâu? Có ai trong số những người biết tự trọng lại chịu nhận việc
đó?