tiến hành đàm phán với y”. Tôi hỏi, các ý định tìm kiếm giải pháp hòa bình
với nước Đức của phe đồng minh nghiêm túc tới mức nào, thì Brüning trả
lời rằng, ông ta không thể thông báo cho tôi biết những cuộc đàm phán ấy
đang diễn ra ở đâu và với ai, bởi vì hiện nay hoặc là chúng đã lên tới thời
điểm cao nhất hoặc là sắp đến thời điểm đó. Tôi hỏi, ông ta có những tư
liệu chính xác đến mức nào? Brüning trả lời rằng, một chính khách lưu
vong thường được nghe những tin đồn đã có sự thẩm tra kỹ. Khi tôi bảo
ông ta rằng, những người bạn của tôi ở bên Đức giao cho tôi nhiệm vụ tìm
hiểu khả năng đàm phán nghiêm túc với phe đồng minh để chấm dứt cảnh
đổ máu và đem lại một nền hòa bình mong muốn cho loài người, Brüning
hỏi những người ấy là ai. Không nhận được câu trả lời cụ thể của tôi, ông ta
liền đề nghị tôi nghe lại một lần nữa băng ghi âm câu chuyện giữa một
người Mỹ với một người Đức để, trong những tìm kiếm giải pháp hòa bình
sau này của tôi, tôi chuẩn bị tinh thần nghe những quan điểm khác nhau.
Dưới đây tôi xin dẫn ra băng ghi âm buổi nói chuyện đó...”
Sớm hôm ấy, từ nhóm nghiên cứu hồ sơ lưu trữ cướp được của
Bormann, người ta gọi điện tới cho Schellenberg.
– Có hiện tượng đáng chú ý. Nếu ngài thiếu tướng tới đây, chúng tôi
sẽ giới thiệu với ngài một vài tài liệu quan trọng.
– Tôi sẽ đến ngay bây giờ, – Schellenberg đáp lại gọn lỏn.
Y đến nơi, không cởi áo khoác, tiến ngay lại bàn và cầm lấy tờ giấy.
Đưa mắt lướt qua mấy tờ giấy đó, y rướn mày ngạc nhiên, y cởi áo
khoác vắt lên thành ghế, ngồi xuống và co chân trái lên. Mấy tài liệu này
quả là rất đáng chú ý. Tài liệu thứ nhất viết như sau:
“Đến ngày X sẽ tiến hành cách ly Kaltenbrunner, Poli, Schellenberg,
Müller”. Tên Müller được gạch đi bằng chì đỏ, và Schellenberg đánh một
dấu hỏi to tướng vào tấm bìa các-tông nhỏ – y thường bỏ túi hoặc để trên
bàn mình một số tấm bìa như thế, để khi cần sẽ đánh dấu những điểm đáng
chú ý vào đó. Tài liệu không có chữ ký và không đề người nhận ấy viết