– Làm theo kiểu này, thì họ chỉ có thể nhận ra ngài thống chế của
chúng ta được thôi. Bộ sắc phục của ngài làm cho họ mất vía.
– Không sao, – Müller đáp, – Chẳng lẽ tôi cởi quần áo ra à?
– Vậy thì ít nhất cũng phải gợi cho họ nhớ lại một địa điểm cụ thể, –
Stierlitz đề nghị. – Nếu không, họ khó mà nhớ lại được, bởi lẽ họ phải đứng
gác ngoài phố mười tiếng đồng hồ một ngày, họ thấy mặt người nào cũng
giống nhau cả thôi.
– Thôi được, – Müller đồng ý, – anh hãy giúp họ... Anh không nhớ tay
cảnh sát vừa rồi chứ?
– Không, tay cảnh sát vừa rồi thì tôi chưa gặp. Tôi sẽ nhớ những
người tôi đã gặp.
Tên cảnh sát thứ hai cũng không nhận được ai. Mãi đến tên thứ bảy
mới là tên cảnh sát tuy trẻ nhưng có vẻ mặt ốm yếu, xanh xao như bị bệnh
lao phổi.
“Nếu Müller có lợi trong việc đánh gục mình hay nếu như hắn có bằng
chứng trực tiếp, cụ thể – qua Kat và Pleischner, – thì hắn đã đối xử khác
với mình. Hắn đang lưỡng lự. Hắn đang tìm kiếm. Hắn không có kế hoạch
định trước – thế là lại thêm một khả năng thắng lợi nghiêng về phía mình”.
– Anh có nhìn thấy ai trong số ba người này không? – Eisman hỏi.
– Không, tôi nghĩ là không ạ...
– Anh có đứng gác ở phố Köpenick không?
– A, có, có, – tên cảnh sát vui mừng, – ông này đã chìa tấm thẻ của
mình cho tôi xem. Tôi đã để cho ông ấy đi lại chỗ đám cháy.
– Ông ấy đề nghị anh để ông ta đi lại chỗ đó à?
– Không ạ... Ông ấy đi xe qua, mà tôi thì không cho xe nào chạy qua
cả... ông ấy chìa tấm thẻ của mình ra... Và ông ấy đã đi bộ lại bên đám
cháy... Nhưng sao kia ạ? – tên cảnh sát bỗng hoảng hốt. – Hay là ông ấy