này.
Sau khi tin rằng vị giám mục chẳng những căm thù chế độ quốc xã,
mà còn sẵn sàng giúp đỡ tổ chức bí mật đang hoạt động, – điều này thì anh
tin chắc sau khi nghe băng ghi âm câu chuyện giữa giám mục với tên phá
hoại ngầm Klaus, – Stierlitz dành cho Schlag một vai trò nhất định trong
công tác của anh, mặc dù anh cũng chưa quyết định xem nên sử dụng ông
ta thế nào cho thật hợp lý.
Stierlitz không bao giờ đoán trước diễn biến của sự kiện, nhưng bao
giờ anh cũng có cái nhìn khái quát rất chính xác về một chiến dịch tương
lai. Anh cười khẩy khi đọc các tiểu thuyết trinh thám, trong đó tả một gã
mật thám nhìn xa trông rộng, ngay từ đầu đã biết hắn sẽ vạch mặt và tóm
cổ tên tội phạm như thế nào. Anh thường nhớ lại một đoạn anh đọc trong
sách, khi ngồi trên chuyến tàu hỏa chạy qua địa phận châu Âu để tới
Ancara. Đoạn văn ấy in sâu trong trí nhớ anh. Nhà nghiên cứu văn học sa
đọa viết như sau: có một lần, người ta hỏi Pushkin: “Chuyện gì sẽ xảy ra
đối với Tatyana kiều diễm?” Pushkin đã tức giận đáp lại: “Các vị đi mà hỏi
cô ấy, tôi không biết”. Stierlitz có nói chuyện với các nhà toán học và vật lý
học, nhất là sau khi bọn Gestapo bắt giữ nhà vật lý Runge, người nghiên
cứu vấn đề nguyên tử. Anh hỏi họ, xem các nhà khoa học lý thuyết lập kế
hoạch trước cho phát minh bao nhiêu lâu. Họ trả lời anh: “Điều đó không
thể được. Chúng tôi chỉ xác định hướng tìm tòi, tất cả những điều còn lại
đều là kết quả của quá trình thí nghiệm”.
Trong hoạt động tình báo cũng hệt như vậy. Khi một chiến dịch được
nghĩ ra trong khuôn khổ quá ư chính xác, thì nó rất dễ thất bại, bởi vì chỉ
cần vi phạm một quan hệ định trước nào đó, là có thể dẫn đến chỗ đổ vỡ cái
chủ yếu. Khả năng thành công sẽ cao nhất, nếu tập trung vào nhiệm vụ chủ
yếu, nhiệm vụ nút, và tiên đoán các khả năng diễn biến khác nhau, nhất là
khi phải hoạt động một mình. Stierlitz nghĩ như vậy.
“Vị giám mục... – Stierlitz tự nhủ. – Mình sẽ nắm lấy ông ta. Giờ đây,
sau khi tên Klaus đã bị thủ tiêu và không thể phản bội thêm hai chiến sĩ