– Nghi ngờ Stierlitz. Người duy nhất trong tổ chức tình báo của
Schellenberg mà tôi có cảm tình. Một người bình tĩnh, không nịnh bợ,
không điên khùng, không cố tỏ ra vẻ hăng hái. Tôi không tin những kẻ
xoắn xuýt với cấp trên và chẳng cần gì cũng cứ đăng đàn diễn thuyết trong
các cuộc mít-tinh của chúng ta... Toàn một bọn bất tài, vô công rồi nghề,
tán róc... Còn Stierlitz là một người ít nói. Tôi rất mến những người ít nói...
Nếu bạn anh ít nói, thì đó là một người bạn thực sự. Nếu kẻ thù ít nói thì đó
cũng là một kẻ thù nguy hiểm thật sự. Tôi kính trọng loại kẻ thù đó. Họ có
những cái ta có thể học hỏi được...
– Tôi quen biết Stierlitz đã tám năm, – Eisman nói. – tôi đã cùng anh
ấy có mặt ở ngoại ô thành phố Smolensk và đã thấy anh ấy dưới làn bom
đạn. Đó là một con người gang thép...
Müller cau mày:
– Sao anh ăn nói văn vẻ thế?.. Làn bom đạn, người gang thép... Anh
mệt mỏi hả? Để các từ ngữ văn vẻ ấy cho các lãnh tụ của đảng ta. Còn dân
mật vụ chúng ta thì phải suy nghĩ bằng các danh từ và động từ như: “thằng
cha ấy đã gặp”, “mụ ta nói”, “hắn đã giao”... Anh làm sao thế, anh không
nghĩ rằng...
– Không ạ, – Eisman trả lời. – Tôi không thể tin vào sự giả dối của
Stierlitz.
– Tôi cũng vậy.
– Rõ ràng phải khéo léo làm cho Kaltenbrunner tin điều đó.
– Để làm gì? – Müller hỏi sau một phút im lặng. – Lỡ ông ấy muốn
rằng Stierlitz là một kẻ giả dối thì sao? Thuyết phục ông ấy để làm gì? Cuối
cùng, Stierlitz có phải là người thuộc văn phòng của chúng ta đâu. Anh ta ở
Vụ VI. Kệ cho Schellenberg nhảy nhót...
– Schellenberg sẽ đòi hỏi chứng cớ... Và ngài thừa biết rằng thống chế
SS sẽ ủng hộ ông ta.
– Anh nghĩ thế à?