T
ôi là một ông già bị bệnh tim, rành rành là vậy.
Sự thật là tôi cảm thấy thoải mái hơn khi ở đây – rìa con sông đầy bùn rác
– hơn là ở những quảng trường đẹp mắt có lắm màn hình sặc sỡ và nhân
viên an ninh, như chỗ gần ga tàu điện ngầm.
Bố đi vòng vòng. Việc này bố làm thuần thục cứ như một kiểu chiến lược
định sẵn. Ở mỗi nơi, bố đều tưởng tượng về con. Bố không có mấy manh
mối, mặc dù bố đoán được vài điều về con, như màu tóc, chiều cao, tuổi. Và
bố biết tên con; bố có thể gọi tên con, nhìn con xoay lại. Bố con mình sẽ
đứng đây, để những người đi xe đạp lướt vội qua, lắng nghe tiếng mạn
thuyền chạm nhau ngân nga, và nói chuyện.
Tuần rồi, lúc bố nghĩ mình sắp lìa đời, tất cả những gì bố thiết tha là con.
Không dễ nghĩ ngợi bất kỳ thứ gì khi ngực nặng như đá đè, nhưng con giúp
bố qua cơn đau – con luôn giúp bố qua khỏi.
Chuyện xảy ra trên đây một quãng, trên bờ kè sông đối diện quốc hội
lưỡng viện: khúc gần bệnh viện có tường cao, mấy băng ghế có rìa chạm
hình đầu chim đặt trên những chồng gạch để người ngồi đó có thể nhìn thấy
bên kia sông. Tôi đang đi theo hướng tây, lờ mờ định đi đến tận cầu Albert,
tìm nơi qua đêm trong một góc yên ả của Chelsea. Cảnh sát ở đó khó chịu
lắm, nhưng nếu mình chịu kín đáo một chút, đôi lúc họ để mình được yên.
Khi ấy tôi chỉ đang đi bộ. Bác sĩ bảo xúc động mạnh có thể kích đau, nhưng
tôi chắc hôm đó mình không buồn bực gì mấy.
Tôi đứng dựa tường, hai tay ôm ngực, nước mắt giàn giụa như một đứa
con nít, trông chẳng giống một ông già gần sáu mươi lọc lõi chuyện sống
không nhà. Tôi mong em ở đó, dừng lại và hỏi tôi bị làm sao, nhưng em
không, dù sao đi nữa tôi đã quen chuyện chẳng ai đoái hoài. Tôi đứng nhìn
dòng sông và nghĩ về em, và thế nào tôi lại biết là em đã chết. Thế giới đầy
rẫy hiểm nguy. Ô tô tông nhau. Dao búa. Chứng tắc mạch máu. Bệnh ung
thư. Tôi tiếp tục nhìn dòng sông, nghĩ ngợi nguyên nhân nào đưa em đi, và
sợ mình có thể ngã lăn ra chết thình lình. Rồi cứ tự nhiên theo mạch ấy, tôi
mất kiểm soát, không phải kiểu la hét ầm ĩ – không phải cách của tôi. Mà