NHÂN TÍNH TRONG TƯƠNG QUAN
VỚI THƯỢNG ĐẾ
Chương này sẽ xem xét những tư tưởng về bản tính và định mệnh
của con người trong Kinh thánh Do Thái giáo và Kitô giáo. Kinh
thánh Do Thái (Hebrew), được người Kitô giáo (Christians) gọi là
Cựu Ước, gồm có nhiều loại thư văn − chuyện tạo thành, lịch sử dân
Do Thái, tổ tiên và lề luật, ca vịnh và văn chương khôn ngoan, thư văn
các ngôn sứ (hay tiên tri) − trải dài từ khoảng thế kỷ thứ VII đến thế
kỷ thứ II TCN. Kinh thánh đó được người Do Thái cũng như tín hữu
Kitô giáo nhìn nhận như lời có uy quyền của Thượng đế. Phần sách
Tân Ước ngắn hơn nhiều, xuất hiện từ thế kỷ thứ I CN, riêng cho Kitô
giáo, người Do Thái không chấp nhận. Do đó, sau đây tôi sẽ trình bày
riêng biệt hai bộ Kinh thánh này. (Trích dẫn sẽ được tham chiếu từ bản
Revised English Bible, [bình thường tên sách, chương đoạn và câu cú
đều theo một chuẩn như nhau, nghĩa là số thứ tự các chương và các
câu đều như nhau trong các bản dịch của các thứ tiếng, ND]). Trong cả
hai trường hợp (Kinh thánh Do Thái giáo và Kinh thánh Kitô giáo), có
một tiến trình lịch sử phức tạp trong việc một số thư văn được nhìn
nhận có uy quyền tôn giáo và được xếp vào thư văn “quy điển” (“the
canon”) của Kinh thánh. Cũng có một số bất đồng về vấn đề những
thư văn nào được kể là quy điển; ngay cả đến bây giờ, tình trạng một
số thư văn gọi là “ngụy thư” (Apocrypha) của Cựu Ước vẫn còn trong
tranh cãi.
Do Thái giáo (Judaism) như đang hiện hữu ngày nay như một tôn
giáo toàn cầu đã được phát triển không phải chỉ từ Kinh thánh Do Thái
(Hebrew), mà còn từ truyền thống giáo huấn của các kinh sư Do Thái
(Rabbi) được sưu tập thành sách mang tên là “Sách giáo huấn”
(Talmud), kể từ thế kỷ thứ II CN, sau thời điểm khai sinh Kitô giáo và