để phản bác lại tôn giáo mới này. Tôi sẽ không bàn đến Do Thái giáo
Hậu-Talmud, nhưng chỉ giới hạn vào bộ sách Cựu Ước.
Kitô giáo đã từng có một lịch sử phát triển liên tục và phức tạp, qua
các Công đồng từ thời Giáo hội sơ khai diễn tả thành công thức những
Tín lý đức tin, sự hình thành thể chế Giáo hoàng, cuộc Ly giáo giữa
Giáo hội Roma và Giáo hội Chính thống vào thế kỷ XI, cuộc Cải
chánh Tin Lành vào thế kỷ XVI, cuộc Phản-Cải cách của Công giáo
với Công đồng Trento (Concilium Tridentinum, Council of Trent,
1545 − 1563), và nhiều phát triển cũng như phân rẽ từ đó. Chúng ta
cũng không quên những trào lưu Kitô giáo không đến được ranh giới
phương Tây, nhưng vẫn còn sống sót trong các Giáo hội Coptic ở
Trung Đông, Phi châu và Ấn Độ. Tôi cũng sẽ không bàn đến các Giáo
hội ấy ở đây, nhưng sẽ chỉ tập trung vào phần Tân Ước của Kinh
thánh.
Tôn giáo Nhất thần toàn cầu thứ ba từ gốc Semit là Đạo Islam
[Chúng tôi dùng tên gọi Islam thay tên gọi quen thuộc trong tiếng Việt
xưa nay là Hồi giáo, lý do: xem chương 7 về Đạo Islam, ND], được
thành hình từ bán đảo Ả Rập thông qua các thị kiến của tiên tri
Mohammad vào thế kỷ thứ VII CN. Đạo Islam công nhận Abraham
như tổ phụ và sự tông truyền của các thượng phụ và các tiên tri thời
Cựu Ước mãi cho đến Đức Jesus, nhưng khẳng định Mohammad là
tiên tri cuối cùng và lớn nhất, và Qur’an là thông điệp độc nhất có uy
quyền của Thượng đế. Chương sau sẽ bàn đến Đạo Islam.
Hiển nhiên có nhiều vấn đề về việc giải thích và xác định các tư
tưởng trong Kinh thánh. Một đàng, các tín nhân (thuộc truyền thống
này hay truyền thống khác) xem Kinh thánh là bản văn thánh khải thị
bản tính và ý định của chính Thượng đế. Một số người xem từng câu
chữ là có quyền uy không sai lầm và nhiều người nhìn trong đó là
bảng hướng dẫn cuộc sống đạo đức. Do Thái giáo và Kitô giáo không
phải chỉ là lý thuyết, đó là những tôn giáo sống động đưa lại giải thích
và hướng dẫn cuộc sống cho người tin. Hơn nữa, chúng không phải do