phải một thân xác hay một hiện diện định vị được trong không gian
(mặc dầu Job được thuật lại là đã thấy Chúa với đôi mắt trần của chính
mình, Job 42:5).
Thánh vịnh [Psalms: Thi Thiên, theo cách gọi của Tin Lành Việt
Nam, ND] là một tập hợp các lời cầu nguyện. Chúng mang hình thức
thơ văn, và một ít khi nói về Chúa thì hẳn phải hiểu một cách ẩn dụ:
thí dụ, Chúa là khiên mộc, che đỡ (Psalm 3:3), tầng trời do tay Chúa
sáng tạo (8.3), ngai Chúa đặt trên cõi trời (11:4), Ngài là núi đá cho
con trú ẩn, là khiên mộc, là thành trì bảo vệ (18:2), từ thánh nhan Ngài
khói bốc lửa thiêu... Ngài ngự trên thần hộ giá Hòm Bia... Ngài bắn
tên khiến địch thù tán loạn (18:8-14), Chúa là mục tử chăn dắt tôi...
đầu con Chúa xức đượm dầu thơm (23:1-5), v.v... Nhưng một số nơi
khác nói về Chúa thì không rõ phải hiểu một cách ẩn dụ hay cách văn
tự: thí dụ, lửa giận của Ngài giây lát sẽ bừng lên (Psalm 2:12), Chúa
đáp lại từ núi thánh của Ngài (3:4), Chúa đã nghe tiếng nức nở ta rồi
(6:8), Chúa là Đấng xét xử muôn dân nước (7:8), chính Chúa đã làm
cho con nên hùng dũng, cho đường nẻo con đi được thiện toàn
(18:32), Ngài đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an
toàn (22:9), Ngài bổ sức cho con, Ngài dẫn con trên đường ngay nẻo
chính, vì danh thánh của Ngài (23:3), v.v...
Vào thời các Ngôn sứ (các Tiên tri, sách Isaiah, Jeremiah, và các
sách tiếp theo), Thượng đế thường được mô tả như nói năng thông qua
một trung nhân – các Tiên tri hay Ngôn sứ, họ có một thị kiến (Isaiah
1:1), hay nhận được lời từ Chúa (Jeremiah 1:4tt.), rồi chuyển thông
điệp đến dân chúng, thường qua công thức “Này, Lời Chúa nói...”.
Tiêu biểu, các Ngôn sứ tiên báo điều sẽ xảy ra và giải thích các biến
cố của lịch sử con người – quá khứ, hiện tại, tương lai – qua ngôn ngữ
của Ý Chúa. Tiên báo những cuộc xâm chiếm và hủy diệt, những bắt
bớ làm nô lệ và lưu đày; và ngược lại, tái xây dựng và phục hồi được
diễn tả qua ngôn ngữ mục đích của Chúa, hoặc như hình phạt cho bất
tuân, bất trung và tội phạm, hoặc như tha thứ và lòng thương xót.