Jean-Jacques Rousseau, sinh tại thành bang Geneva, là một trong
những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong phong trào Khai minh,
nhưng ông là một nhân vật lập dị, phi chuẩn mực, trong nhiều cách
thức, cách riêng trong quan điểm của ông về những cảm xúc theo bản
năng hơn là theo lý trí thuần thục. Trong Diễn ngôn về sự Bất bình
đẳng (Discours sur l’origine et le fondement de l’inégalité parmi les
hommes, Discourse on Inequality, 1755), ông biện luận cho tính Thiện
bẩm sinh của Bản tính con người, đưa ra một lịch sử suy luận về sự
xuất hiện của xã hội loài người từ những nguồn gốc sơ cổ. Ông khẳng
định, sự phát triển điều được gọi là văn minh đã làm đồi bại hạnh
phúc, sự tự do, luân lý, và đã cho phép những bất bình đẳng thiếu tự
nhiên và bất công sinh sôi nẩy nở.
Trong luận thuyết về Giáo dục mang tên Emile (Emile − hay Vấn
đề Giáo dục; Emile ou de l’Education),1762, Rousseau trình bày ảo
kiến duy tâm của ông về tính Thiện thiết yếu của Bản tính con người
qua hình thức một chương trình chi tiết, làm cách nào một cậu bé có
thể được giáo dục bởi một siêu hiền nhân, một người giám hộ kiểm tra
toàn diện (từ bé thơ đến hôn nhân). Ngoại trừ sơ đồ giáo dục bất khả
thực hiện này (đến từ một gã đàn ông đã giam hãm những đứa con nhỏ
của mình trong các nhà trẻ mồ côi!), Rousseau đã trình bày những
thức nhận về sự phát triển của con trẻ rất có ảnh hưởng. Ông nhấn
mạnh, trẻ con không phải là những người trưởng thành thu nhỏ và
không được xử đãi như thế: Việc nuôi nấng và giáo dục chúng phải
được đo lường đúng tầm vóc tâm thần riêng biệt của chúng. Toa thuốc
ông đưa ra cơ bản là mỗi cá nhân phải được cho phép phát triển bản
tính bẩm sinh của mình, không bị làm cho sa đọa bởi xã hội − cách
riêng bởi xã hội giàu có, phố thị, thời trang, xã hội mà Rousseau mãnh
liệt cảm thấy hoàn toàn đồi trụy. Nơi một trong những câu nói tiêu
biểu cực đoan của ông, ông viết rằng “các cơ chế của con người là một
khối điên rồ và mâu thuẫn”.