trên đây trong sách này). Tư tưởng của Rousseau về Bản tính con
người, văn hóa, giáo dục và lịch sử, sự quan trọng của cảm xúc đạo
đức, sự không quan trọng của thần học siêu hình, tất cả đều được Kant
tiếp thu đưa vào suy tư của chính mình.
Các công trình triết học phê phán trưởng thành của Kant đã được
xuất bản vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XVIII. Những tác phẩm
chính là: Phê phán lý tính thuần túy (1781), Đặt cơ sở cho Siêu hình
học về đức lý (1785), Phê phán lý tính thực hành (1788), Phê phán
năng lực phán đoán (1790), Tôn giáo bên trong các ranh giới của lý
tính đơn thuần (1793), Siêu hình học về đức lý (1797). (Ghi chú: Các
tham chiếu về bộ Phê phán thứ nhất được ghi thêm A và B để chỉ lần
xuất bản thứ nhất hay thứ hai; còn các tham chiếu về các tác phẩm và
các thư văn nói chung của Kant đều được ghi số bộ sách và số trang
sách theo ấn bản của Nhà xuất bản Viện Hàn lâm khoa học Phổ từ
năm 1900; td. 5:163, tức bộ 5, trang 163). Không một tác phẩm nào
của Kant trên đây đều dễ đọc, bởi tư tưởng và diễn đạt của Kant trừu
tượng “kinh khủng” và đầy dẫy các thuật ngữ [các từ ngữ và các thuật
ngữ của Kant lại thường mang nhiều ý nghĩa mới, khác với ngôn ngữ
thường ngày, ND].
Nhưng Kant cũng có viết thư từ và các tiểu luận cho quảng đại độc
giả trí thức với những chủ đề như Khai sáng là gì? (1784), Ý tưởng về
một lịch sử phổ quát hướng theo mục đích làm công dân thế giới
(1784), Hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu (1795). Kant muốn không
chỉ là một triết gia hàn lâm, nhưng còn là một nhà tư tưởng tiến bộ có
ảnh hưởng. Trong một ít tiểu luận phổ thông, rất tiếc là Kant đã diễn tả
những quan điểm có tính kỳ thị chủng tộc theo cách nhìn của thời bấy
giờ, nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy Kant đã thay đổi những
quan điểm đó khi suy tư của ông đã được phát triển.
Kant nhiều lần nói lên sự tin tưởng của ông về sự sử dụng lý tính
một cách tự do và dân chủ để khảo sát mọi sự, dẫu cho chúng có là
truyền thống, quyền uy hay thần thánh bao nhiêu đi nữa: Một cách sử