Ta dễ dàng thấy, một khi ta cởi bỏ cách trình bày sống động và có lẽ
cũng rất bình dân cho thời bấy giờ về cái màn che huyền nhiệm, điều
này (tinh thần và ý nghĩa thuần lý của nó) thực tế đã từng có hiệu lực
và ràng buộc đối với mọi nơi và mọi thời: bởi nó rất cận kề với mọi
người để ai nấy đều nhìn ra nghĩa vụ của mình trong đó. Ý nghĩa của
nó là tuyệt đối không có một giải cứu nào khác cho con người, ngoại
trừ sự đón nhận từ tận đáy lòng những nguyên lý đạo đức đích thực
vào tâm tư mình (Tôn giáo 6:83).
Một ngôn ngữ “giải hóa thần thoại” như thế đã làm phiền hà cho
ban kiểm duyệt của nước Phổ thế kỷ XVIII, và cũng thách thức đối
với hệ chính thống Kitô giáo cả đến ngày hôm nay. Và chúng ta cũng
ít sẵn sàng hơn Kant (và Platon) để phân biệt điều gì là khả tín đối với
tầng lớp có học và đối với “đại chúng bình dân”. Cách tiếp cận của
Kant là giải thích lại thần học qua ngôn ngữ của luân lý. Kant gợi ý
Kinh thánh phải được giải thích theo cách này, mặc dầu không phải
theo nghĩa văn tự. Theo cách đó, sẽ không cần thiết phải tin vào phép
lạ hay các bí tích. Kant còn thấy cần thiết phải có một giáo hội cải
cách triệt để, một cơ chế nhân bản phát huy lý tưởng đạo đức và giúp
đỡ các chi thể của mình sống theo những lý tưởng đó. Kant hy vọng
rằng, điều đáng được chấp nhận cách thuần lý và theo đạo lý trong các
cộng đoàn đức tin khác nhau (cả Kitô giáo lẫn ngoài Kitô giáo) có thể
từng bước tách rời ra khỏi những gì không nhất thiết, và hình thành
nên một “niềm tin tôn giáo thanh khiết” (xem Tôn giáo phần III và
IV).
Kant cũng đã diễn tả nhiều những hy vọng liên quan đến trần thế
trong các tiểu luận của mình về lịch sử dọn đường cho những triết học
của Hegel và Marx trong thế kỷ tiếp theo. Kant nhìn thấy sự tiến bộ
liên tục trong văn hóa nhân loại qua giáo dục, phát triển kinh tế và cải
cách chính trị từng bước giải phóng con người khỏi nghèo đói, chiến
tranh, ngu dốt, thần phục các quyền bính truyền thống. Kant là một kẻ
tán trợ những lý tưởng bình đẳng và dân chủ của Cách mạng Pháp