ngữ: “Nếu tôi làm điều tôi phải làm, thì tôi có thể hy vọng gì?”) dẫn
đưa vào một chủ đề mới, vừa lý thuyết vừa thực hành − chủ đề khá sao
nhãng trong triết học đương thời. Triết học lịch sử và triết học tôn giáo
của Kant được đặt vào trong chủ đề mới mang tên triết học hy vọng
này.
Trong phần Biện chứng pháp của Phê phán thứ hai, Kant đưa ra
một trình bày đầy đủ nhất của ông về luận cứ thực hành nói về niềm
tin vào Thượng đế và sự bất tử. Kant quan tâm sâu sắc về quan hệ giữa
đức hạnh và hạnh phúc (“Nếu tôi làm điều tôi phải làm, thì tôi có thể
hy vọng gì?”). Phái Khắc kỷ cổ đại chủ trương rằng, đức hạnh là sự
thiện tối cao, còn phái Khoái lạc chủ nghĩa cho rằng đó là hạnh phúc.
Một lần nữa, Kant đề xuất một quan điểm tổng hợp thứ ba. Chúng ta
đã thấy, Kant chủ trương chúng ta không thể chỉ quan tâm đến hạnh
phúc của chúng ta, mà ông còn không muốn hoàn toàn phân tách đức
hạnh khỏi hạnh phúc. Vì vậy Kant đã lập luận rằng sự “Thiện tối cao”,
cái mục đích cuối cùng của mọi phấn đấu luân lý phải là sự kết hợp
đức hạnh với hạnh phúc (hơn là thuyết hạnh phúc Eudaimonia của
Aristoteles).
Nhưng thật là một điều hiển nhiên đau đớn phải nhìn nhận rằng,
hạnh phúc không luôn luôn được tưởng thưởng bằng hạnh phúc trong
thế giới như ai nấy đều biết. Quá thường xuyên xảy ra rằng, kẻ ngay
lành thì bị thương đau, còn người làm điều ác thì xem như lại được
thịnh đạt. Quả là một thái độ hiển nhiên − mà hàng triệu người đã thực
hiện − khi nói rằng, công lý đòi hỏi phải có một Thượng đế, Đấng thấu
rõ những bí ẩn của mọi trái tim nhân loại, và Đấng ấy sẽ tưởng thưởng
mỗi người một cách thích đáng trong cuộc sống tương lai bên kia thế
giới này. Có thể xem như khi nói đến Thượng đế và sự bất tử, Kant đã
không làm gì khác hơn là lặp lại niềm hy vọng phổ quát của con người
vào sự công bình và tưởng thưởng trong cuộc sống sau khi chết.
Nhưng, như chúng ta đã thấy, điều cơ bản trong triết học luân lý của
Kant là động cơ làm điều lành của chúng ta không phải là để tích trữ