phần hay toàn bộ Luận Ngữ được coi là lời dạy đích thực của Khổng
Tử. Có người cho rằng một số chương sách đã được thêm vào sau này.
Mặc dầu Khổng học hay Khổng giáo là một truyền thống phát triển
lâu dài, trong đó Luận Ngữ là phản ảnh những tư tưởng sớm nhất và
trung tâm nhất của Khổng Tử, và những tư tưởng này vẫn tiếp tục xác
định truyền thống Khổng học qua nhiều thế kỷ. Bởi vậy, trong khuôn
khổ của một chương giới thiệu nhập môn, (A) tôi sẽ giới hạn công
việc tìm hiểu Khổng giáo này vào tập sách Luận Ngữ, xem xét Luận
Ngữ trong toàn bộ thư văn của nó và lấy tên Khổng Tử như nguồn tác
giả của các lời dạy trong thư văn này. (B) Tiếp theo đó, tôi sẽ trình bày
thêm hai phát triển sau này của Khổng giáo thông qua hai tác giả lớn
là Mạnh Tử (371 − 289 TCN) và Tuân Tử (298 − 238 TCN) liên
quan đến học thuyết về Bản tính con người, chủ đề chính của tập sách
này.
Học thuyết về Vũ trụ
Chủ đề chính quan trọng nhất trong Luận Ngữ là vấn đề nhân bản,
không phải siêu hình. Điều ấy có nghĩa, điều Khổng Tử quan tâm hàng
đầu là vấn đề hạnh phúc của con người và ít hơn về vấn đề bản tính tối
hậu của thế giới trong đó chúng ta sống. Khi có lần được hỏi về lễ
nghi đối với quỷ thần, Khổng Tử đã trả lời: “Đạo thờ người còn chưa
biết, làm sao biết được đạo thờ quỷ thần?” (XI. 11). Và khi được hỏi
về sự chết, Khổng Tử đã nói: “Sự sống còn chưa biết, sao biết được sự
chết?” (XI. 11). Tránh những suy luận siêu hình, Khổng Tử kêu gọi
cho một chính thể khai triển cuộc sống phúc lợi cho toàn dân và đưa
lại những tương quan hòa hợp giữa người dân với nhau. Tuy vậy,
Khổng Tử cũng nhìn nhận có những năng lực trong trời đất định đoạt
cuộc sống của con người chúng ta. Ông xác định những năng lực này
bằng cách sử dụng hai ý nghĩa tương quan của chữ Mệnh: mệnh lệnh
của Trời (Mệnh Trời/Thiên mệnh) và định mệnh của Đời (Mệnh đời/
Định mệnh).