nhận tính phù phiếm trong việc theo đuổi chúng và sẽ dành mọi năng
nổ cố gắng của mình để theo đuổi tính đạo đức của Trời. Như thế, đạo
đức – không can dự gì với thành tựu xã hội – là điều độc nhất đáng
được theo đuổi trong cuộc sống. Khổng Tử lý luận rằng, cần thiết phải
am hiểu bản tính vừa của Mệnh Trời (II.4: “Đến năm mươi tuổi, ta biết
Mệnh Trời”: “ngũ thập nhi tri Thiên Mệnh”), vừa của Định mệnh
(XX.3: “Chẳng biết Mạng, chẳng đáng gọi là người quân tử”: ”bất tri
Mạng, vô dĩ vi quân tử dã”) [Mệnh Trời tức là lẽ Đạo mầu nhiệm lưu
hành trong thiên hạ; Mạng là Kiết, Hung, Họa, Phúc; theo Đoàn Trung
Còn chú giải, Đoàn Trung Còn dùng chữ Mạng cho cả hai trường hợp,
giống như chữ Hán cũng viết như nhau trong cả hai trường hợp; xem
Đoàn Trung Còn: Luận Ngữ, Nxb Trí Đức, Saigon, 1950; ND], nhưng
với những lý do khác nhau: Mệnh Trời là đối tượng đích thực của sự
quan tâm tối hậu, còn Định mệnh thì chỉ cần can đảm chấp nhận.
Trước khi khảo xét quan điểm của Khổng Tử về Bản tính con
người, ta có thể nghiệm xem một khái niệm khác của ông: khái niệm
“Đạo”. Mặc dầu từ Đạo ở Trung Hoa không được dùng như một
nguyên lý siêu hình trừu tượng (cách riêng với Đạo giáo), đối với
Khổng Tử từ đó trước tiên có nghĩa là “Con Đường của hiền nhân”,
những pháp gia cố cựu của thời huyền thoại nguyên thủy. Khái niệm
Khổng giáo về Đạo được thiết yếu nối kết với khái niệm Trời trong
nghĩa nó bao hàm con đường đức hạnh của từng người. Mặc dầu khó
phân biệt, con Đường của Trời (Thiên Đạo) có thể biết được thông qua
hành động trước kia của các hiền nhân. Nhìn vào hiền giả vua Nghiêu,
Khổng Tử được thuật lại đã nói rằng: “Ông Nghiêu làm vua, đức
nghiệp lớn thay! Vọi vọi thay! Chỉ có Trời là lớn thôi; chỉ có vua
Nghiêu có thể sánh với Trời thôi! Dân chúng chẳng có thể khen tặng
đức nghiệp của ngài cho xiết. Vọi vọi thay những sự thành công của
ngài! Lễ, nhạc và pháp độ của ngài rạng rỡ thay!” (VIII.19). Và như
thế, các hiền nhân xưa kia − những kẻ đã khuôn đúc chính mình theo
Trời − trở nên mẫu mực cho con Đường hoàn thiện của con người