trong hiện tại, con Đường cho mọi người noi theo (VI.17). Cuối cùng,
có ba điều đáng tôn trọng, theo Khổng Tử: “Người quân tử có ba
điều kính sợ: kính sợ Mệnh Trời, kính sợ bậc đại nhân, kính sợ lời dạy
của thánh nhân”/“Quân tử hữu tam úy: Úy Thiên Mệnh, úy đại nhân,
úy thánh nhân chi ngôn” (XVI.8).
Học thuyết về Bản tính con người
Khổng Tử xem ra rất lạc quan về những khả năng thành tựu của con
người. Trên thực tế, mục đích của phần lớn triết học Trung Hoa là giúp
con người trở nên những hiền nhân. Khổng Tử ghi nhận, “Trời là tác
giả của đức hạnh trong tôi”, điều ấy chứng minh xác tín của ông rằng,
con người có thể đạt đến thực tại tối hậu là tính đạo đức của Trời. Đối
với Khổng Tử, mỗi người có thể là một hiền nhân, được định nghĩa
như kẻ hành động với đức nhân (VI.28). Nghĩa là, mọi người đều có
khả năng vun trồng đức hạnh và làm cho mình hòa hợp với Lề luật của
Trời. Khổng Tử chỉ ra rằng, hiệu quả của việc tuân theo con Đường
của Trời (Thiên Đạo) là sinh nghiệm của niềm vui. Nhưng lạc quan
đối với khả năng của con người không đồng nghĩa với lạc quan với
hiện trạng của cuộc sống. Sự thật đối với Khổng Tử là, một hiền nhân
là một nhân vật rất hiếm. Ông nói: “Ta không hy vọng gặp được một
hiền nhân” (VII.25). Mặc dầu mọi người có thể là những hiền nhân,
nhưng trong thực tế đó là một điều hi hữu. Phần lớn con người sống
trong một trạng thái thật đáng phiền trách.
Vậy điều gì làm cho con người đáng khiển trách như thế? Khổng Tử
nói rất ít trực tiếp đến Bản tính con người, làm cho môn đệ Tử Cống
lưu ý: “Văn chương thầy ta thì chúng ta đều được nghe. Còn về Bản
tính con người cùng Đạo Trời thì chúng ta chẳng được nghe thầy ta
dạy” (V.12). Việc Khổng Tử ít bàn về Bản tính con người đã là cơ hội
cho nhiều học thuyết khác nhau được phát triển trong thời Hậu-Khổng
giáo. Mặc dầu có ít lời dạy minh thị về Bản tính con người, nhưng một
điều rõ ràng qua các lời nói của Khổng Tử thì trong một số lĩnh vực
của cuộc sống con người có tự do ý chí. Mặc dầu chúng ta không kiểm