ông nói về họ thì thường là với những ngôn từ không mấy thanh tao.
Thí dụ có lần trong một câu, ông gộp chung họ lại với “bọn tôi trai” và
lưu ý rằng, trong một nhà cả hai đám người này là “khó ở cho họ vừa
lòng”: “Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã” (XVII.24).
Thứ đến, mặc dầu Khổng Tử cho biết Bản tính con người cơ bản là
đồng đều, nhưng ông không nói rõ đó là bản tính tốt cần được giữ gìn
cẩn trọng, hay là bản tính xấu cần được nghiêm túc cải thiện. Sự thiếu
sót phân minh phân biệt về điểm này đã đưa đến những tranh luận
nóng bỏng trong thời Hậu-Khổng giáo. Chúng ta sẽ xem hai nhà tư
tưởng lớn trong truyền thống Khổng học đã nói gì về vấn đề quan
trọng này trong phân đoạn cuối cùng của chương sách này.
Chẩn bệnh
Mặc dầu những lời nói của Khổng Tử phần lớn mang tính răn dạy,
nhưng chúng cũng cho thấy một khái niệm rõ ràng có điều gì sai sót
trong Bản tính con người. Một cách khái quát, điều kiện con người là
một tình trạng xã hội bất hòa gây nên bởi tính tự kỷ và sự vô tri của
quá khứ. Diễn tả một cách ngắn gọn, con người đã ra khỏi sự hòa hợp
với Mệnh Trời. Hậu quả là, tương tác của con người trở nên xung đột,
người cầm quyền cai trị nhắm lợi ích cá nhân, người dân khổ nhục
dưới những gánh nặng bất công, và hành vi xã hội nói chung bị thao
túng bởi ích kỷ và tham ô. Đó là tình trạng sinh sống thê thảm của con
người.
Đâu là lý do cho những hoàn cảnh khốn cùng này? Ít nhất có năm
nguyên do được liệt kê trong Luận Ngữ: (1) người dân lo thủ lợi; (2)
xã hội mất dần tinh thần gia tộc; (3) lời nói và hành động không ăn
khớp với nhau; (4) quên bỏ Đạo sống của hiền nhân; (5) lòng khoan
dung vắng bóng trong đối xử con người. Ta hãy xét xem từng điều của
những nguyên nhân này.
(1) Khổng Tử nói: “Kẻ nào nương theo lợi mà thi hành, ắt có nhiều
oán thù”/“Phỏng ư lợi nhi hành, đa oán” (IV.12). Một trong những
giáo lý trung tâm của Khổng Tử là sự đối chọi giữa công nghĩa và tư