MƯỜI KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ - Trang 124

Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
Tôi đã từng chờ những chuyến xe
Đã từng đưa đón kẻ đi về
Sao nhà ga ấy, sân ga ấy
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?”
(“Những bóng người trên sân ga”)

Nỗi buồn rất nỗi buồn, chia ly rồi chia ly đều bắt nguồn ở sân ga bé nhỏ. Từ
hai cô gái nhỏ áp má vào nhau sùi sụt đến người yêu tiễn người yêu ở một
sân ga vắng trong chiều tắt nắng. Có những chàng trai tiễn đưa nhau dùng
dằng “ba bốn bận” đến nỗi bóng họ nhòe theo bóng tối. Có người vợ mở
khăn trầu tiễn chồng đi biên ải. Có người mẹ già lưng còng đổ bóng tiễn
con đi, và có người làm cuộc du hành cô độc để “một mình làm cả cuộc
phân ly”.
Tất cả những chất liệu đó đã làm Bính rúng động và đâu đây
tiếng còi tàu thét vang trong trí não thi nhân để trút xuống mặt giấy từng
nỗi nghẹn ngào nhân thế.
Biệt ly, biệt ly nào mà chả làm lòng người se lại. Buổi tiễn đưa giữa hai kẻ
sống tuy buồn nhưng còn ít bi đát hơn cảnh người sống tiễn đưa kẻ chết,
nhất là kẻ chết lại là người trinh nữ. Cái chết của nàng làm cho Bính tưởng
tượng cả “châu thành Hà Nội chít khăn sô” và như có ai mời thi nhân
“uống chén biệt ly”:

“Sáng nay vô số lá vàng rơi
Người gái trinh kia đã chết rồi
Có một chiếc xe màu trắng đục
Hai con ngựa trắng bước hàng đôi
Đêm đi một chiếc quan tài trắng
Và những bông hoa trắng lạnh người
Theo bước, những người khăn áo trắng
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi…”
(“Lòng người trinh nữ”)

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.