động quanh đây.
Trích văn Sơn Nam
Cây huê xà
Cây huê xà là thứ cây gì? Hình dáng ra sao? Có thiệt hay là bịa đặt? Nó có
lợi hay là có hại cho loài người? Bao nhiêu câu hỏi ấy dồn dập, lẩn quẩn
trong trí thằng Lợi hằng năm nay mà nó không tài nào trả lời nổi.
Cây huê xà vốn là vị thuốc chánh trong toa thuốc ngừa rắn của ba nó. Nhờ
đó mà đi đến đâu người ta đều khâm phục, ba nó nổi danh là thầy Hai Rắn.
Được nổi danh là một chuyện khó vì lẽ ở vùng Rạch Giá, Cà Mau thầy rắn
xưa nay cũng nhiều người tài. Họ có thể cứu sống nạn nhơn, bảo đảm trăm
phần trăm, nếu người bị cắn không để lâu quá hai giờ đồng hồ. Họ dùng
toàn thuốc Nam dễ kiếm như gừng, cỏ ống, vôi, trầu, nhựa ống điếu, trứng
rệp… Họ lại còn dám nuôi trong nhà vài con rắn để bắt chuột. Lúc họ uống
nước trà, rắn nằm vắt vẻo trên đòn dông nhà, nhìn xuống gục gặc đầu.
Đêm nào có trăng thì rắn đi ngao du, lên tận trên đọt lá dừa để bắt chim
trong ổ hoặc rình mổ mấy con dơi rượt muỗi bay qua chớp nhoáng.
Ba thằng Lợi nổi danh hơn các thầy rắn vừa nói trên. Thuốc của ba nó vò
viên sẵn, khỏi tốn thời gian tìm kiếm. Thuốc ấy mạnh lắm, trừ tuyệt nọc,
nghĩa là một hai năm sau đi nữa bịnh nhơn không cảm thấy nhức xương
sống mõi khi lập đông trở về. Phi thường nhất là có toa thuốc khi thoa vào
tay, rắn không bao giờ dám mổ.
Hồi mới xuống rạch Thuồng Luồng này, ba nó đã có lần thí nghiệm cho các
thầy thuốc trong xóm coi thử.
Ba nó – thầy Hai Rắn – loan tin:
“Tôi có bùa bắt rắn. Bùa này của Phật Thầy Tây An ở núi Sam truyền lại.”
Ai nấy phản đối:
“Nói dóc! Chân ướt chân ráo mới tới xứ này mà không để cho người ta
thương! Phật Thầy Tây An xưa kia bao giờ làm bùa bắt rắn. Ngài lo giữ
mối giềng đạo lý, sao cho ai nấy ăn ngay ở phải, đừng vì tiền tài mà nói
dóc với chúng sinh.”
Mỉm cười, thầy Hai Rắn mời bà con đúng giờ Thìn sáng mai đến cây thị,