MƯỜI KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ - Trang 79

trang ấy. Nhiều khi Vũ Bằng viết ở ghế đá công viên, nghĩa là chỗ nào và
lúc nào anh cũng viết được vì chữ nghĩa đã có sẵn, chờ dịp trút xuống.
Trong đời, tôi được biết có hai nhà văn viết bản thảo một mạch ít khi sửa
chữa, đó là Vũ Bằng và Đào Trinh Nhất. Đào Trinh Nhất viết còn tài nữa,
là tính ngay được số dòng, số trang cứ chấm hết, bài vừa đủ in.
Hiện nay Vũ Bằng vẫn viết và còn phải viết vì đời sống áo cơm bắt buộc.
Đó là cái khổ của Vũ Bằng, cũng là cái may của nền văn học Việt Nam.

Trích văn Vũ Bằng
Cốm Vòng
Ở hậu phương, mỗi khi thấy ngọn gió vàng heo hắt trở về, người ta tuy
không ai nói với ai một câu nào, nhưng đều cảm thấy cõi lòng mình se sắt.
Không phải nói thế là bảo rằng ở Hà Thành, mỗi độ thu về, người ta không
thấy buồn đâu. Ngọn gió lạ lùng! Ở đâu cũng thế, nó làm cho lòng người
nao nao; nhưng ở hậu phương thì cái buồn ấy làm cho ta tê tái quá, não cả
lòng ruột. Nhớ không biết bao nhiêu! Mà nhớ gì? Nhớ tất cả, mà không nhớ
gì rõ rệt.
Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi nhớ rằng tôi không nhớ Tết, không nhớ những
ngày vui và những tình ái đã qua bằng nhớ một ngày nào đã mờ rồi, tôi hãy
còn nhỏ, sáng nào về mùa thu cũng được mẹ mua sẵn cho một mẻ cốm
Vòng, để ăn lót dạ trước khi đi học.
Thế thôi, nhưng nhớ lại như thế thì buồn muốn khóc. Tại sao? Chính tôi
cũng không biết nữa.
Và thường những lúc đó, tôi thích ngâm khẽ mấy dòng thơ trong đó tả
những nỗi sầu nhớ Hà thành, nhất là mấy câu thơ của Hoàng Tuấn mà tôi
lấy làm hợp tình hợp cảnh vô cùng:

“… Đầu trùm nón lá nhớ kinh thành,
Anh vẫn vui đi trên những nẻo đường đất nước.
Lúa xanh xanh, núi trùng điệp, đèo mấp mô…
Qua muôn cảnh vẫn sen Tây Hồ
Sông vẫn sông Lô, cốm cốm Vòng”.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.