Rừng hồng đã chín đỏ… Người quả phụ bị sát hại...
Đứa con hoang từ giờ sẽ mồ côi…
Trong huyện Gia Dương có ngõ phố cổ, ngõ phố từ lâu đã chẳng còn.
Ngày ấy, ngay ngõ rẽ cạnh Cục Lương thực có hai gian nhà đổ nát, cửa
cũng chẳng còn lành lặn, trên mái nhà mọc đầy những đám cỏ đuôi chồn, ô
cửa sổ phía bắc người ta đã dùng gạch xây kín.
Từng có người ở nơi khác đến chỉ vào hai gian nhà mà hỏi:
“Đó là nhà vệ sinh đúng không?”
Câu trả lời khiến ai cũng không khỏi bất ngờ: “Không, đó là… đồn cảnh
sát.”
Ngày 23 tháng 12 năm 1978, tuyết rơi!
Ngõ phố lầy lội và lem nhem, những mảng tuyết tàn “trụ” lại trên cột
điện trông chẳng mấy vừa mắt, những đám tuyết trắng đọng trên cành cây
thì trắng như những bông kẹo ngon lành. Gió bấc rít lên từng hồi, những
giọt nước nhỏ xuống đến đâu lại đóng thành băng đá. Một người đàn ông
trong chiếc áo len sờn đi đi lại lại trước cửa đồn cảnh sát, sau đó đi thẳng.
Lát sau, từ trong đồn một cảnh sát bước ra, người cảnh sát ngẩng đầu nhìn
trời, rồi cúi đầu nhìn xuống lớp tuyết bê bết. Có ai đó đặt một cuộn áo len
ngay vệ đường, trong chiếc áo là một đứa trẻ còn đỏ hỏn.
Người cảnh sát thở dài một tiếng, ôm đứa trẻ vào lòng, cởi cúc áo ngực
cho đứa trẻ bú. Đó là một nữ cảnh sát nhân dân, cả ngõ phố đã quen gọi chị
bằng cái tên chị dâu Chu.
Chị dâu Chu đứng cạnh đường, đứng giữa trời đất cho đứa bé bú sữa.
Một tiếng chị dâu nghe thật não lòng.
Kể từ đó, đứa trẻ bị bỏ rơi lớn lên ở đồn cảnh sát, và sau này trở thành
một cảnh sát ưu tú.
Một đứa trẻ khác, được sinh ra trong nhà lao.