Mẹ nó là một gái bán hoa, theo cách của những người làm “cách mạng
văn hóa” thì những người đàn bà đó thuộc hàng hư hỏng. Người đàn bà hư
hỏng phạm tội giết người, khi bị lôi ra xét xử đứng trước vành móng ngựa,
cô ta vẫn ngang ngạnh ngẩng cao đầu, khi nghe thấy lời tuyên án tử hình,
khi bị đưa ra pháp trường, khi người ta chuẩn bị giương súng, cô ta bỗng
cúi đầu, oằn người nôn ra đài bắn một bãi nước lờ nhờ chua chát. Chính bãi
nước khó ngửi ấy đã cứu cho mạng sống của cô ta.
Cô đa đang mang bầu.
Thứ nhất tạo trời, thứ nhì có đất, thứ ba sinh vạn vật.
Mấy tháng sau, một đứa trẻ ra đời. Mẹ nó chết do hậu sản, trong lúc hấp
hối, cô ta gắng gượng nắm lấy tay một nữ cảnh sát mà trăn trối: “Tôi mà
biết cha nó là ai sẽ không tha cho hắn, nhất định phải băm xác hắn ta ra…”
Người quản lí nhà lao tên là Thẩm Ngang, xuất thân cảnh sát, trong thời kì
“cách mạng văn hóa”, do bắt một vụ án oan mà bị tống vào nhà lao. Sau
thời kì đó, tức là từ sau năm 1978, cấp trên trưng cầu ý kiến anh về việc sắp
xếp lại công tác, nhưng anh đã chọn ở lại nhà lao này làm quản giáo. Anh
có tình cảm đặc biệt với nơi đây. Anh từng là phạm nhân, cũng từng là cảnh
sát, nên có cách nhìn vấn đề từ cả hai mặt. Trong cuộc họp anh nói với
những người quản giáo khác: “Đứa trẻ này có duyên với nhà lao, không
người thân thích, mọi người bảo bỏ nó đi đâu bây giờ? Trẻ con vứt ra
đường cảnh sát còn không quản, huống hồ là đứa trẻ như nó, thôi thì cứ để
nó ở đây đã rồi tính.”
Những phạm nhân ở đó gọi đứa trẻ là Cao Phi, nghĩa là bay cao, đây có
lẽ cũng là ước vọng của tất cả những con người ở nơi tận cùng xã hội này.
Những nữ tù nhân dùng bầu ngực của mình nuôi dưỡng đứa trẻ, họ trở
thành những người mẹ của nó, những phạm nhân nam trở thành cha của nó,
nhà lao trở thành gia đình của nó.
Nhà lao cũng là trường học. Thời gian giống như một chiếc đồng hồ cũ
rích. Ngày qua ngày, Cao Phi giờ đã biết bò, bàn tay đứa trẻ sờ khắp từng
tấc đất bên trong bức tương vây cao vút, đứa trẻ bò qua từng bóng phạm