nhân, cứ thế dần dần đứng dậy. Một ngày, người quản giáo thở dài, nghĩ:
“Chẳng lẽ mình đã nghĩ sai sao? Đứa trẻ này sinh ra để học cách phạm tội
sao?” Đứa trẻ chẳng mấy khi lên tiếng, nhưng lại rất thân mật với những
phạm nhân nơi này, những phạm nhân ngày ngày dạy nó rất nhiều thứ. Khi
đứa trẻ bắt đầu biết ăn cơm cũng là lúc nó biết hút thuốc, khi nó cất tiếng
nói đầu đời, cũng là khi bắt đầu biết chửi bới. Tuổi thơ còn chưa hết đứa trẻ
đã như một người lớn tuổi suy nghĩ sự đời, từ khi chưa dậy thì đã học được
cách tự thỏa mãn. Cao Phi biết hết những ngón nghề xã hội đen, hiểu rõ ý
nghĩa tượng trưng của các hình xăm, nó biết cách nấu thuốc phiện, làm
thuốc lắc. Những “thủ pháp” phạm tội cứ thế dần dần ăn vào đầu đứa trẻ,
làm thế nào để móc túi bằng dao lam? Làm thế nào ăn cướp bằng một cục
đá? Làm thế nào để lừa bịp người ta chỉ bằng những ngón ngay điêu luyện?
Tất cả những thứ đó lao ngục đã dạy nó.
Và cứ thế, Cao Phi lớn lên trong lao tù.
Năm mười sáu tuổi, Cao Phi nói với người quản giáo: “Con muốn ra
ngoài đi đây đi đó.”
Những phạm nhân ở đó đứng dồn ra cửa sắt, tay bấu chặt thanh chắn,
đồng thanh hát một khúc ca, đó là khúc ta tiễn biệt những người tù được thả
tự do.
Ngã tư đường chẳng khác chi cây thánh giá.
Cao Phi đi vào một con đường mòn không một bóng người. Nó chẳng có
gì, ngay đến một cục đất bạc màu cứng đét dưới chân giờ này cũng không
thuộc về nó. Trên người không một xu một cắc, nhưng nó là một kẻ giàu
có. Trong đầu nó giờ này đang lảng vảng hàng nghìn con dơi, đó là hàng
nghìn loại tà niệm, chẳng lẽ như thế chưa đủ giàu có hay sao? Những tài
sản đó có thể mua được những đoạn đường tắt đến với giàu sang, mua được
những quầng lửa đen tối, quầng lửa ấy chìm trong đêm đen, không ai có thể
thấy được.