Chương 1
Bà ngoại tôi và ngài Huyền Trang
Hình ảnh ngoại âm thầm cầu nguyện dưới ánh trăng luôn khắc sâu
trong ký ức tôi. Tôi trưởng thành trong tình thương yêu của bà. Ngoại
đã dạy tôi nhận thức được lẽ thiện - ác của cuộc đời. Điều tôi khó hiểu
nhất là ngài Huyền Trang vì sao được người dân Ấn Độ tôn xưng như
một vị thánh, còn Lỗ Tấn tiên sinh lại ca tụng Ngài là “Bậc đống
lương của Trung Quốc”.
“Mồng 8 tháng chạp, mồng 8 tháng Chạp, đông cứng cái cằm”. Đây là ngày
lạnh nhất trong năm, cũng là ngày báo hiệu mùa xuân sắp đến. Vào buổi
sáng tinh mơ, chúng tôi ngồi bên bếp lò lột củ tỏi, đem từng nhánh tỏi lột
rửa sạch, để trong vại ngâm dấm và đậy kín nắp, đợi đến đêm Giao thừa
mang ra ăn với bánh chẻo. Bố vừa giục chúng tôi làm việc, vừa không
ngừng đảo nồi cháo to đang sôi sùng sục trên bếp lửa; nồi cháo này có đủ
các loại đậu, nếp, táo, hạnh nhân, hạt điều, hạt dẻ, hạt sen, nhãn nhục, nho
khô, phải nấu nửa ngày mới nhừ, mùi cháo thơm lừng khắp nhà. Ngày này,
nhà nhà đều nấu nồi cháo mồng 8 tháng chạp cho người lớn, trẻ con ăn,
thậm chí cả chó, mèo, gà cũng phải uống một chút nước cháo, còn dư một
ít dành phần cho người đi vắng chưa về. Tôi hỏi bố vì sao phải ăn cháo vào
mồng 8 tháng Chạp? “Đại khái là biểu thị kiết tường! Đem toàn bộ ngũ cốc,
lương thực dư trong một năm nấu chung, hy vọng mọi năm đều có dư”- bố
vừa nói vừa dùng sức quậy nồi cháo - “Con biết không? Các cụ còn đem
cháo tô lên cây, họ cho rằng cây ăn cháo năm sau sẽ cho nhiều trái.”
“Thế vì sao hôm nay mồng 8 tháng Chạp được ăn cháo, ngày mai lại
không được ăn?” tôi hỏi tiếp.
“Con không ngừng hỏi, thật là phiền” bố xua tay, ra vẻ bực mình. Tôi
thấy ngoại mấp máy môi tính nói gì, nhưng lại thôi.