vượng, kiểm soát hoạt động thương mại và buôn bán từ châu Á như
Trung Hoa, Ấn Độ và Bactria. Các đô thị như Cairo, Baghdad,
Damascus trở thành các trung tâm thương mại nhộn nhịp, sầm uất.
Dân chúng bốn phương đều kéo về đây tạo thành một xã hội thịnh
vượng. Mọi hoạt động như văn chương, thơ phú, âm nhạc và khoa
học cũng phát triển rộng rãi.
Vào lúc đó, người Seljuk Hồi giáo đang bành trướng thế lực ở vùng
Tiểu Á nên những người Kitô giáo của Đế quốc Byzantine (Đông La
Mã) đã kêu gọi viện trợ từ Tây Âu. Giáo hoàng Urban II liền kêu gọi
một cuộc chiến quân sự, đánh đuổi những kẻ ngoại đạo ra khỏi đất
Thánh. Các binh sĩ tham dự cuộc chiến đều mặc áo thập tự đỏ, được
gọi là thập tự quân. Có tất cả tám cuộc Thánh chiến lớn, kéo dài gần
ba thế kỷ và hàng trăm cuộc chiến nhỏ tại vùng biên giới nhằm kiểm
soát con đường từ châu Âu đến Jerusalem.
Nói thêm, Jerusalem là thánh địa linh thiêng của Do Thái giáo.
Truyền thuyết Do Thái tin rằng đây là nơi Vua David đã chọn để xây
đền thờ từ thế kỷ X trước Công nguyên. Địa điểm này cũng cực kỳ
quan trọng đối với người Kitô giáo, vì nơi đây là nơi Chúa sinh ra,
giảng đạo, bị đóng đinh và phục sinh. Jerusalem cũng giữ một ý
nghĩa quan trọng với đạo Hồi vì nó là địa điểm để lên thiên đường
của nhà tiên tri Muhammad, người mà người Hồi giáo tin là vị tiên tri
quan trọng nhất của Thánh Allah. Kể từ khi người Hồi giáo xuất hiện
tại đất Thánh vào thế kỷ VII, vùng đất này đã luôn là địa điểm căng
thẳng với những giằng co, tranh chấp không ngừng giữa các tôn
giáo này.
CUỘC THẬP TỰ CHINH LẦN THỨ NHẤT (1096 - 1099)
Vào lúc đó người Thiên Chúa giáo hành hương đến Jerusalem
thường gặp giặc cướp mà sử sách châu Âu gọi là "giặc Hồi". Giáo
hoàng Urban II, đáp lại lời kêu gọi viện trợ từ Đế quốc Byzantine
(Đông La Mã), đã triệu tập một Hội đồng tại Clermont kêu gọi các
vương quốc châu Âu gửi quân đội đi giải phóng đất Thánh khỏi tay
bọn ngoại đạo. Đây cũng là dịp để các vua chúa vương quốc Âu