chinh thứ hai. Triều đình châu Âu lập tức hưởng ứng, đặc biệt là Vua
Conrad III của Đức và Louis VII của Pháp còn ngự giá thân chinh.
Đây là cuộc Thập tự chinh được lãnh đạo chính thức bởi triều đình
châu Âu. Tuy nhiên vì không quen thuộc địa thế sa mạc hiểm trở,
không kiểm soát được các giếng nước, nên cuộc Thập tự chinh thứ
hai là một thất bại lớn đối với phương Tây, với số người chết lên đến
con số vài chục ngàn. Cuộc Thập tự chinh thứ hai là một thắng lợi
tuyệt đối của người Hồi, nó còn sản sinh ra kẻ thù hùng mạnh nhất
của Thiên Chúa giáo và là người bảo vệ đạo Hồi được tôn kính nhất
– Saladin (Salah ad-Din). Năm 1187, quân Hồi tái chiếm Jerusalem.
CUỘC THẬP TỰ CHINH LẦN THỨ BA (1189 - 1192)
Đế chế Hồi giáo dưới quyền chỉ huy của Saladin chiếm lại
Jerusalem, tiêu diệt các vương quốc Thập tự chinh quanh đó và
kiểm soát hoàn toàn vùng này. Hay tin, Giáo hoàng Gregory VIII đã
kêu gọi một cuộc Thập tự chinh thứ ba để giành lại Jerusalem. Năm
1188, Vua Frederick I của Thánh chế La Mã, Philip II của Pháp,
Henry II của Anh và Richard (con của Henry) đã tuyên thệ tham gia
Thập tự chinh. Quân Pháp và Anh vì những nghi kỵ nội bộ đã trì
hoãn việc xuất binh, trong khi đoàn quân viễn chinh của Frederick I
sớm tan rã khi vị vua này qua đời. Vua Henry II cũng băng hà trước
khi khởi hành, nên chỉ có Vua Philip II của Pháp và Richard I đến
Jerusalem. Sau đó Vua Philip II đã trở về nước, để lại đội quân của
mình, trong khi Richard I vẫn cố gắng giành lại Jerusalem. Tuy
nhiên, năm 1192, nghe tin về những bất ổn trong nước, Richard I
buộc phải ký thỏa thuận với Saladin rồi trở về Anh. Một lần nữa
người Âu đã thất bại trong việc tái chiếm Jerusalem. Cuộc chiến này
đã gây tổn thất nặng nề cho các quốc gia châu Âu trên phương diện
tài chính cũng như xã hội. Tuy nhiên, lợi dụng lòng hăng say phục vụ
tôn giáo của dân chúng, các vua chúa vẫn cho mở thêm các cuộc
chiến với mục đích chiếm đoạt nhiều hơn là vì giải phóng. Bằng
chứng rõ nhất là việc họ cho phép nhóm Hiệp sĩ dòng Đền toàn
quyền kiểm soát thu góp các chiến lợi phẩm mang về. Về sau những
người này cũng nổi lòng tham, thay vì mang về cho triều đình và
giáo hội, họ bí mật cất giấu rất nhiều vàng bạc rồi trở nên giàu có.