có bản ngã làm chủ và quyết định mọi sự. Các hiền triết Ấn Độ nói
rằng có sự tương quan chặt chẽ giữa xác thân và linh hồn. Giác
quan của linh hồn phải dựa vào giác quan xác thân để hoạt động.
Khi chết, giác quan của xác thân hư rã thì giác quan linh hồn gần
như cũng tiêu vong. Điều này giải thích tại sao khi chuyển qua đời
sống khác, con người không nhớ gì hết – vì các giác quan linh hồn,
bao gồm giác quan thứ bảy, Mạt na hay bản ngã, của kiếp trước đã
tiêu vong rồi. Khi chuyển sinh sang đời sống mới, cơ thể đã có các
giác quan mới, do đó, ta là một người mới, với bản ngã mới, hầu
như không còn dính dáng gì đến con người và bản ngã của kiếp
trước nữa. Tuy nhiên, nói vậy không phải là khi chuyển sinh, con
người sẽ cắt đứt mọi liên hệ với kiếp trước. Ngược lại, trong vòng
luân hồi, con người sẽ luôn chịu ảnh hưởng của các kiếp sống
trước, thông qua luật nhân quả. Điều này diễn ra nhờ vào giác quan
duy nhất tồn tại không phụ thuộc vào thân xác – giác quan thứ tám
(A lại da). Giác quan này và mọi dữ kiện lưu trữ trong đó là vẫn tồn
tại sau khi thân xác tan rã, nếu biết kích hoạt giác quan này, ta có
thể hồi tưởng những việc xảy ra từ các kiếp trước.
Tôi thắc mắc:
- Nếu mọi giác quan khác đều tiêu vong sau khi thân xác chết, tại
sao giác quan thứ tám vẫn tồn tại?
Timotheus giải thích:
- Tôi cũng từng đặt câu hỏi như thế. Vị thầy người Ấn trả lời rằng
mọi giác quan đều dựa vào nhau để tồn tại. Khi các giác quan thể
xác hư rã thì giác quan tương ứng của linh hồn cũng ngừng hoạt
động. Khi sáu giác quan này không hoạt động nữa thì giác quan thứ
bảy không còn gì để xử lý nên cũng tan rã theo. Do đó bản ngã cũng
không còn. Tuy nhiên, giác quan thứ tám chứa hạt giống vẫn tồn tại
là vì các hạt giống này có tiềm lực rất mạnh, đang chờ cơ hội để nảy
mầm. Chính nhờ sức sống mạnh mẽ của các hạt giống này (nghiệp
lực) mà giác quan thứ tám không tiêu biến theo thân xác. Nói cách
khác, các hạt giống này còn thì giác quan thứ tám cũng còn. Nó