việc đó cũng làm tiêu hao sinh lực. Chúng ta không biết duy trì sức
mạnh nội tại bằng việc tiết kiệm sinh lực nên thân thể mới có vấn đề.
Tại sao người ta mắc bệnh? Vì đa số không biết đến việc này, suốt
ngày chỉ ăn uống sao cho nhiều, đầu óc chỉ tính toán sao cho hơn
người. Nào là tranh giành, chiếm đoạt rồi vơ vét, tích lũy, tất cả
những thứ đó làm hao tổn sinh lực, thân thể làm sao không ngã
bệnh. Nếu biết kiềm chế và giới hạn hoạt động của thể xác, tiết kiệm
sinh lực thì chẳng cần phải ăn hay ngủ nhiều.
Ngồi yên là kiểm soát thân và tâm, khiến cho thân không đòi hỏi,
tâm không rối loạn. Khi kiểm soát được tâm và thân thì mới thanh
lọc được các đòi hỏi khác. Từ khi hiểu như thế, tôi hết lòng tu tập
phương pháp này và đã tiến bộ. Hiện nay, thân thể tôi còn khỏe
mạnh hơn xưa, tâm hồn tôi cũng thoải mái lạ thường. Từ đó, tôi
nghiệm ra rằng khi kiểm soát được tâm và thân thì cũng sẽ không có
bệnh. Phần lớn bệnh tật đều xuất phát từ tâm. Khi tâm mải theo đuổi
những việc như tham lam, sân hận, tranh giành, yêu ghét, rồi dẫn
đến lo lắng, sợ hãi thì sinh ra tâm bệnh, tâm bệnh sinh ra bệnh tật
trên thân xác. Khi tâm yên tĩnh, không vọng động, khi hơi thở đều
đặn, sâu lắng sẽ sinh ra một luồng sức mạnh vô hình chạy khắp
châu thân, điều hòa mọi cơ quan, diệt trừ được bệnh tật. Tôi biết
được việc ăn thịt uống rượu cũng dễ sinh bệnh vì nó tạo ra ảnh
hưởng làm bế tắc lối đi của luồng sức mạnh kia. Các bậc thầy xứ
này chỉ ăn mỗi ngày một bữa, mỗi bữa họ ăn rất ít mà vẫn khỏe
mạnh như thường. Hơn nữa, nếu không kiểm soát được thân thì
làm sao kiểm soát được tâm? Do đó, tôi nhất quyết bỏ rượu thịt và
thói quen ăn nhiều bữa, giờ tôi cũng chỉ ăn mỗi ngày một bữa.
Tôi gật gù:
- Lần đầu tiên tôi nghe đến những phương pháp này, nhưng nếu
anh đã thực hành và thấy hiệu quả, hẳn phải thật sự có đạo lý bên
trong. Vậy còn việc tĩnh tâm mà anh nói là kiểu thực hành thế nào?
Timotheus trả lời: