chỉ là một phần liên quan hay là nạn nhân chính của kế bẩn này đi nữa, kết
quả thảm khốc cuối cùng cũng như nhau mà thôi. Công ty sẽ công bố nhiệm
kỳ của họ đã kết thúc, kẻ nhận quyết định lĩnh một đòn đau điếng, và người
ta mong họ cuốn xéo càng lặng lẽ âm thầm càng tốt.
Nếu nghi mình nằm trong diện bị “quy hoạch” cho thủ đoạn tái thiết, bước
đầu tiên bạn phải làm là phải tìm chứng cớ chứng minh sự thật chứ không
phải ngồi một chỗ mà kêu trời. Cũng nên chú ý đến những lời tán gẫu của
hội “chim lợn”, mấy tin hành lang nhiều khi độ chính xác cũng cao ra phết!
Nhưng bạn cũng cần cái gì đó chắc chắn để làm nền tảng cho những hành
động trong tương lai. Do tái thiết là một trò chơi diễn tiến chậm, công ty cần
thời gian kiểm tra các quy trình tuân thủ thủ tục tố tụng, và để đảm bảo việc
này không dẫn đến kiện tụng om sòm. Vì vậy, trước mắt, bạn đang chủ động
về thời gian. Phần đầu tiên của chiến lược bảo vệ chính mình vẹn nguyên
qua cơn bão tái thiết là phải biết tận dụng khoảng thời gian đó để xác thực
mối nghi ngờ với những người có đủ thông tin xem cảm giác của bạn đúng
hay sai.
Hãy hỏi những người liên quan, đồng minh hay thậm chí là địch thủ vài câu
hỏi khôn ngoan sau để tìm ra nguyên nhân thật sự. Bất cứ dữ liệu nào thu
thập được từ những buổi gặp gỡ này đều có thể có giá trị cho sau này và hình
thành nền tảng cho các bước hành động tiếp theo.
NHỮNG CÂU HỎI CHỐNG LẠI ĐÒN TÁI THIẾT
- Anh biết gì về tin đồn cải tổ không?
- Đằng sau chuyện tái thiết này là gì?
- Quy trình tái thiết sẽ mất bao nhiêu thời gian?
- Khi nào người ta sẽ có những thông báo chính thức?
- Phải làm thế nào để hạn chế tối đa những gián đoạn kinh doanh?
- Chuyện tái thiết này sẽ giúp chúng ta chăm sóc khách hàng tốt hơn ra sao?
- Quy trình nào sẽ được ứng dụng để quyết định và phân công vai trò mới?
- Việc tái thiết sẽ dùng đến những tiêu chí cụ thể nào?