*7. Đức Gia Long
Bản triều Thế Tổ Cao hoàng đế
Đức Gia Long là con giai thứ ba đức Hưng Tổ, là cháu đức Duệ Tôn. Khi đức Hưng Tổ băng, thì ngài mới lên 4 tuổi. Khi lớn lên, ngài
thiên tư thông tuệ khác thường, đức Duệ Tôn lấy làm khí trọng lắm.
Khi ấy đức Duệ Tôn nối nghiệp chúa ở Thuận Hóa. Nhưng có kẻ quyền thần là Trương Phúc Loan chuyên quyền; mà trong Qui Nhơn
thì anh em Tây Sơn là Nhạc, Huệ nổi lên; ngoài Bắc Hà thì Trịnh chúa sai Hoàng Ngũ Phúc vào xâm lấn; Thuận Hóa thất thủ, ngài theo
đức Duệ Tôn chạy vào Quảng Nam, rồi lại vượt bể vào Gia Định. Đức Duệ Tôn cho ngài làm Chưởng sử, coi một đạo quân Tả dực. Ngài
liệu tính việc quân không sai một ly nào, các hàng chư tướng đều giốc lòng theo ngài.
Một hôm, ngài hộ giá đức Duệ Tôn đương đi nửa đường, chợt nghe có quân giặc đuổi theo. Đức Duệ Tôn thấy nguy cấp lắm, mới
nhường con ngựa cho ngài cưỡi, giục ngài đi lên trước; ngài bất đắc dĩ phải nhận ngựa cưỡi đi lên. Đi một lát, lại dừng ngựa đợi. Khi đức
Duệ Tôn theo lên kịp thấy ngài vẫn đứng đợi ở ven đường. Đức Duệ Tôn nói rằng: “Cháu ta có bụng tốt như vậy, trời thực chứng giám
cho.”
Năm Bính Thân, ngài đến Tam Pụ (tục gọi Ba Đống, thuộc Định Tường), chiêu mộ quân Đông Sơn (là bọn Đỗ Thanh Nhân, tự xưng là
Đông Sơn tướng quân). Sực có quân Tây Sơn vào cướp Sài Gòn, đức Duệ Tôn phải chạy đến Đăng Giang, ngài đem quân Đông Sơn đến
ứng viện, rước đức Duệ Tôn chạy đến Cần Thơ; rồi lại chạy đến Long Xuyên, thì đức Duệ Tôn bị nạn. Đang đêm, ngài muốn vượt thuyền
ra bể để tránh giặc, khi thuyền quay mũi ra thì có con cá sấu ba lần đến ngăn trở thuyền ngài lại, không đi được. Sáng hôm sau, cho thám
xem, mới biết đêm qua có thuyền giặc đón eo ở mé trước. Ngài phải chạy ra cù lao Thổ Châu.
Sau ngài lại đảo về cử nghĩa binh ở Long Xuyên, đánh phá quân Tây Sơn ở doanh Long Hồ (bây giờ là Vĩnh Long), thu phục được
thành Sài Gòn lần thứ nhất.
Năm Mậu Tuất (niên hiệu Lê Cảnh Hưng thứ 39, lịch tây 1777), chư tướng tôn ngài lên làm Đại nguyên soái, nhiếp quốc chính, khi ấy
ngài mới 17 tuổi. Đến năm Canh Tí (1779), tháng giêng, ngài lên ngôi vua ở Sài Gòn.
Năm Nhâm Dần, quân Tây Sơn kéo vào cửa bể Cần Thơ, ngài sai Chưởng cơ Tống Phúc Thiêm điều bát quân thủy ra cự chiến. Quân
Tây Sơn thừa thế tiến vào hăng lắm. Cai cơ Mạn Hòe (Manuel, người Pháp) cưỡi tàu xông vào cự địch, quân giặc ném thuốc súng xuống
đốt tàu, Mạn Hòe tử tiết. Ngài thân đốc binh thuyền ra ứng tiếp, mình mặc nhung y, đầu đội nón chiến, tay cầm súng đứng trên mũi
thuyền, bắn sang thuyền giặc. Ngài bắn súng cực giỏi, không phát nào sai, (tay súng ấy phong là: Võ công lương k hí) hô chư quân vừa
đánh vừa lui, rồi ngài ngự đến Tam Pụ, thành Sài Gòn lại mất về Tây Sơn.
Sau ngài ngự thuyền ra cù lao Phú Quốc. Tháng tám năm ấy, Chu Văn Tiếp cử binh kéo cờ hiệu bốn chữ: “Lương sơn tá quốc” lại về
thu phục được thành Sài Gòn lần thứ hai. Ngài ngự giá từ Phú Quốc trở về, sai sứ sang Xiêm La thông hiếu.