Năm Quí Mão, Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ đem quân vào đánh phá cửa Cần Thơ, ngài phải ngự đến Tam Pụ, bày tôi theo hầu ngài chỉ
còn có Nguyễn Kim Phẩm và năm sáu người mà thôi, ngài đi đến sông Lật Giang, quân giặc đuổi theo kíp lắm, mà nước sông chảy xiết
quá, không có đò sang, ngài vốn tài bơi lội, bèn bơi vượt sang được bờ bên kia sông. Khi chạy đến Đăng Giang, khúc sông ấy nhiều cá
sấu lắm, không thể bơi sang được, may có con trâu nằm ở bờ sông, ngài mới cưỡi trâu sang sông, đến giữa dòng nước chiều dâng lên to,
chìm cả trâu, may có con cá sấu đưa giạt vào bờ, ngài ngự đến Mỹ Tho, rồi rước cả Quốc mẫu và cùng gia quyến ra trú ở cù lao Phú
Quốc. Quân Tây Sơn chợt kéo đến, ngài phải chạy ra cù lao Côn Lôn (Poulo condor).
Nguyễn Văn Huệ đem quân thủy bổ ra bao vây Côn Lôn, thế rất nguy cấp, bỗng đâu trời nổi cơn mưa bão, mây kéo mù mịt, thuyền ghe
giáp nhau mà cũng không trông rõ mặt người, sóng bể ầm ầm, thuyền giặc chìm đắm không biết bao nhiêu mà kể. Ngài ngự một chiếc
thuyền vượt ra ngoài trùng vi, bạt phong đến cù lao Cổ Cốt. Ít bữa lại về Phú Quốc, lương thực hết cả, quân lính đến nỗi phải đào rễ cỏ,
củ mài mà ăn. Lúc bấy giờ có một nàng lái buôn là thị Uyển người Hà Tiên chở một thuyền gạo lại hiến.
Khi ấy ngài nghe ông Bá Đa Lộc (Evêque d’Adran) ở Chân Bôn, bèn sai người đến bàn tính, rồi giao ông hoàng tử Cảnh mới lên bốn
tuổi cho ông Bá Đa Lộc đưa sang Pháp quốc để cầu viện.
Hoàng tử Cảnh đi rồi, ngài đem ra 20 lạng vàng, chia đôi đưa cho bà Nguyên phi (Tống thị sinh ra ông hoàng tử Cảnh) một nửa mà bảo
rằng: “Con ta đi rồi, ta cũng phải ra đi, Phi phụng dưỡng quốc mẫu ở đây, chưa biết sau này ngày nào lại gặp được nhau mà ở tại chỗ nào,
thì cứ lấy vàng này mà làm tin.”
Nói rồi, ngài ngự thuyền vào cửa bể Mali, để dò thám quân giặc; chợt gặp hơn hai mươi chiếc thuyền giặc đến vây; thuyền ngài vội
vàng giương buồm cứ trông theo phương đông mà chạy, phiêu lưu ngoài bể bảy ngày đêm, trong thuyền hết cả nước uống, quân sĩ đều
khát. Ngài mới mật khấn rằng: “Nếu ta có phận làm vua, thì giạt thuyền vào bờ, để cứu lấy mạng người trong thuyền này. Nhược bằng
không thì đánh chìm đắm ở giữa bể này, cũng cam tâm vậy!”
Vụt chốc, gió lặng, sóng yên, trông thấy trên mặt nước, hắc, bạch chảy rẽ đôi dòng, một bên nước trong leo lẻo, trong thuyền một
người nếm thử thấy ngọt, hô lên rằng: “Nước ngọt…!” Rồi tranh nhau múc uống, khỏi cả phiền khát, vừa múc được bốn năm chĩnh, thì
nước bể lại mặn như trước.
Khi giặc lui đi rồi, ngài lại ngự thuyền về Phú Quốc. Quốc mẫu thấy ngài về cả mừng. Ngài mới kể lại tình trạng lúc bạt phong giữa bể,
để quốc mẫu nghe. Quốc mẫu than rằng: “Con ta bên trời, góc bể, lịch duyệt gian nan. Nhưng xem như trận gió Côn Lôn, nước ngọt giữa
bể, thì ý trời khá biết, chớ thấy gian hiểm mà ngã lòng.” Ngài bái tạ xin vâng lời dạy.
Lúc ngài đi bể, chỉ dùng muối, ớt, gừng, tỏi, hồ tiêu, hồi hương, quế chi, ô mai, bẩy tám vị ấy đều tán nhỏ trộn lẫn với nhau để làm thức
ngự thiện. Ngài thường ban cho các tùng thần, và bảo rằng. Đi chốn sơn, hải lam chướng, nên ăn những thức này, và tỏ ý rằng ta cùng
với các ngươi cũng cam khổ vậy.”
Năm Giáp thìn, ngài sang Xiêm La cầu viện. Vua Xiêm cho hai tướng đem 20.000 thủy binh, 300 chiến thuyền sang giúp. Nhưng bị