NAM HẢI DỊ NHÂN LIỆT TRUYỆN - Trang 19

*9. Tô Hiến Thành

Tô Hiến Thành là bậc trung thời đời vua Anh Tôn nhà Lý, tài kiêm văn, võ, có công đánh phá Ai Lao cùng rợ Ngưu Hống (bây giờ

thuộc huyện Hưng Hóa An châu). Lai nã bắt được đảng giặc Thân Lị, làm đến chức Thái úy.

Khi ấy có quân Chiêm Thành thường vượt bể vào cướp bóc nhân dân ở miền ven biển. Hiến Thành phụng mạnh đi đánh, kéo quân vào

đến nước Chiêm (bây giờ là Bình Định Phú An), đưa thư thiết trách chúa Chiêm, không giữ lễ phiên thần triều cống, lại bày tỏ điều lợi hại
để chiêu dụ, chúa Chiêm sợ phải sai sứ đem trân châu phẩm vật, vào cống hiến xin giảng hòa. Hiến Thành mới phụng mệnh đem quân về.

Bấy giờ Thái tử Long Xưởng bị xử tội tư thông với cung phi, phải truất phế làm thứ dân. Vua Anh Tôn mới họp các tể thần lại dụ rằng:

“Ngôi thái tử là cội rễ trong nước, nay Long Xưởng đã làm điều bất đạo, trẫm muốn lập Long Cán để nối đại thống, nhưng e tuổi còn thơ
ấu, sợ rằng không kham nổi chăng?” Vừa khi ấy quan nội nhân ẵm Long Cán mới lên ba tuổi ra chơi, trông thấy khăn ngự của vua đội,
nhất định đòi cho được, vua chửa kịp cho, thì lại càng khóc thét mãi lên. Vua phải hạ khăn xuống đưa cho, thì Long Cán cả cười. Vua Anh
Tôn lấy làm lạ, mới quyết định lập Long Cán làm thái tử. Bèn cho Tô Hiến Thành làm Thái phó, gia phong vương tước, để phù lập Long
Cán nối ngôi.

Khi Anh Tôn mất, Thái hậu muốn lập Thái tử cũ là Long Xưởng sai đem vàng hối lộ cho vợ Hiến Thành là Lã thị phu nhân. Hiến Thành

nói rằng: “Ta là đại thần, nhận tờ di chiếu giúp ngôi ấu chúa; nếu lại tham lấy của hối lộ, bỏ vua này, lập vua khác, thì còn mặt mũi nào
trông thấy đấng tiên đế ở dưới suối vàng nữa.”

Thái hậu lại vời Hiến Thành đến khuyên dỗ trăm đường, Hiến Thành nhất định không nghe, nói rằng: “Làm điều bất nghĩa mà được

phú, quí, người trung thần, nghĩa sĩ không thèm làm. Phương chi lời đấng tiên đế dặn lại hãy còn văng vẳng ở bên tai, tôi đâu lại dám cải

lời; Thái hậu lại chẳng nghe chuyện Y Doãn, Hoắc Quang

[6]

đời trước à!” Thái hậu khuyên dỗ mãi cũng không chuyển.

Khi Cao Tôn lên nối ngôi, Thái hậu lại họp cả quần thần lại để mưu phế, lập; các quần thần điều thưa rằng: “Quan Thái phó đã tuân tờ

di chiếu, lập ngôi ấu chúa, chúng tôi không dám trái lời.” bởi vì khi ấy Hiến Thành quản cấm binh, phụ quốc chính, hiệu lịnh nghiêm mật,
thưởng phạt công bình, trong nước đều qui phục cả, cho nên không ai dám có mưu gì khác nữa.

Khi Hiến Thành phải bệnh gần mất, có quan Tham chi chính sự là Vũ Tán Đường thường ngày đêm xuống hầu hạ thuốc thang luôn,

còn quan Gián nghị đại phu là Trần Trung Tá vì bận việc ít khi đến. Một hôm Thái hậu ra thăm, hỏi Hiến Thành về sau ai có thể thay ông
được? Hiến Thành thưa rằng: “Có người Trung Tá.” Thái hậu ngạc nhiên nói rằng: “Tán Đường hầu thuốc thang luôn ở đây, sao ông
không cử đến.” Hiến Thành đáp rằng: “Ngài cốt hỏi người thay tôi để giúp nước, thì tôi cử Trung Tá. Nếu ngài hỏi người hầu hạ, thì tôi
mới cử Vũ Tán Đường.” Thái hậu khen là trung trực.

Hiến Thành là bậc cố mệnh nguyên thần, hết lòng trung thành giúp ngôi ấu chúa, thời bây giờ lấy làm ỷ trọng; lại khéo xử lúc biến cố,

chẳng chút chuyển di, người đời sau thường ví Tô Hiến Thành cũng như ông Gia Cát Vũ hầu giúp vua Hậu Chủ nhà Hán.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.