Người khách hỏi:
- Chôn chỗ nào, thử chỉ cho tôi xem.
Bà ấy đưa ra chỗ mả chàng kia. Người khách ngắm nghía một hồi rồi nói rằng:
- Chỗ này là huyệt thiên táng đấy, nếu có thai thì tất sinh ra Trạng nguyên tể tướng.
Bà ấy đầy năm, quả nhiên sinh được con giai, cốt cách lạ thường. Khi lên 4 tuổi, ra chơi ngoài bờ sông, xảy có người lái buôn ở làng
Sính Kế, huyện Phượng Nhỡn, bơi thuyền qua bến, trông thấy thằng bé nhẵn nhụi, ăn cắp đem xuống thuyền đi mất.
Bà kia tìm con đâu cũng không thấy, tưởng là chết đuối dưới sông rồi, sầu thảm không biết ngần nào.
Người lái từ khi đem đứa bé về, yêu mến lắm, khi mới lớn lên tìm thầy cho đi học. Giáp Hải học rất thông minh, nổi tiếng thần đồng. Mỗi
ngày học hành một tấn tới, văn chương hay nhất trong đời. Đến năm 23 tuổi, thi đỗ Trạng nguyên.
Hôm vinh qui về làng, người trong làng phải phục dịch khó nhọc, có người biết nguyên ủy ông ấy, bảo riêng với nhau rằng:
- Không biết người ở xứ nào, đến đây mà làm khổ dân ta thế này!
Giáp Hải nghe lỏm được câu ấy, không biết vì cớ làm sao. Một hôm, xét xem các mồ mả tổ tiên, thì không có ngôi nào đáng phát Trạng
nguyên, trong bụng hồ nghi lắm. Nhân mới hỏi những người quen thuộc, có người biết truyện nói với ông ấy. Giáp Hải mới đến tận làng
Công Luận dò xem, thì thấy có bà cụ già ngoài 70 tuổi, bán hàng bên cạnh đường, trông ra tình cảnh khốn đốn lắm.
Giáp Hải sai người vào hỏi rằng:
- Bà cụ kia có chồng con gì không, sao mà khốn khó đến thế?
Bà cụ nói:
- Tôi là người ở làng này, khi xưa có đẻ được một mụn con giai, đã 4, 5 tuổi, chơi với trẻ con ở bờ sông, rồi không biết nó lạc đi đâu mất.
Bấy giờ chỉ có một thân, không biết nương cậy vào đâu, tình cảnh sầu thảm, nói ra không xiết.
Giáp Hải đồ là mẹ mình, mới sai người bảo rằng:
- Bà cụ già cả mà không có ai trông nom, thì theo về với tôi để tôi nuôi cho, có bằng lòng không?
Bà kia nói:
- Nếu quan lớn có bụng thương tôi như thế, thì phúc cho tôi lắm!
Giáp Hải mới đem về nuôi nấng, nhưng cũng chưa dám chắc hẳn là mẹ. Chân Giáp Hải vốn có nốt ruồi đỏ, thường khi ngồi nhàn để lộ
ra. Bà cụ ấy một hôm trông thấy, cứ nhìn tròng trọc không chớp mắt.