Trang Tử
NAM HOA KINH
Dịch và bình chú : Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Phải Quấy và Xấu Tốt
A. Sự bình đẳng giữa Phải Quấy và Xấu Tốt:
Đứng theo quan niệm nhị nguyên (chỉ thấy có một cái ta riêng biệt) mà
xem, thì sẽ thấy sự vật có phải, có quấy rõ ràng. Phải, là cái gì có lợi cho ta.
Quấy, là cái gì bất lợi cho ta.
Trái lại, nếu không thiên chấp mà biết nhìn rộng ra sự vật khác bên ngoài
ta, thì biết đâu cái mà ta gọi là "phải" đối với ta đây, vị tất cũng còn là
"phải" đối với kẻ khác? Ngay cùng một việc mà ta cho là "phải" đối với ta
bây giờ, sẽ không còn là "phải" nữa đối với ta sau này! Như vậy Phải và
Quấy là một việc cá nhân tương đối và chủ quan, hết sức bất thường. Nêu
nó ra để mà nói với thiên hạ, để mà làm tiêu chuẩn chung và bắt cả thiên hạ
phải cùng theo, thì còn nghĩa lý gì nữa!
"Người nằm trong chỗ ẩm thấp thì sinh ra đau lưng và tê liệt một bên mình;
con cá chạch thì có sao không? Người ở trên cây thì run rẩy, sợ sệt; còn loài
khỉ vượn có sao không? Ba loài ấy, ai biết chỗ nào là chỗ ở chính? Con
người thì ưa ăn thịt thà; hươu nai thì thích ăn cỏ non; rết thì cho rắn con là
ngon; chim mèo chim cú thì nghiện ăn chuột bọ. Bốn loài ấy, ai biết món ăn
nào là chính vị? Mao Tường Lệ Cơ, người thấy thì cho là đẹp mà cá thấy
thì lặn sâu, hươu nai thấy thì chạy dài. Bốn loài ấy, ai biết sắc đẹp nào là
chính sắc trong thiên hạ?"
Mỗi vật đều thuận theo chỗ hợp của mình: không có chỗ nào là chỗ hợp
chung cho tất cả vạn vật. Mỗi vật đều biết ngon theo chỗ ngon riêng của
mình: không có vị nào là ngon chung cho tất cả vạn vật. Mỗi vật đều có sự
ưa thích theo một cái đẹp riêng theo mình: không có cái đẹp nào là cái đẹp
chung chi tất cả vạn vật. Và như vậy, nếu đã không có cái đẹp nào là cái
đẹp chung để làm cái gương tận mỹ chung cho tất cả mọi vật, thì cũng
không có cái thiện nào có thể đem ra làm cái gương tận thiện chung cho tất
cả mọi người.