đi một lần uống, nhưng nào có mong được nuôi dưỡng ở trong lồng…" dù
đó là một cái lồng sơn son thếp vàng…
------------------------------------------------
Tri: ở đây có nghĩa là sự hiểu biết theo nhị- nguyên; nhân đó mới có sự lo
âu, nghĩ ngợi, do lòng đèo bòng tham muốn chạy theo ngoại vật cũng như
chạy theo cái học trục vật. Lão tử bảo: "Vi học nhật ích".
Theo Trang- tử, ở thiên Tề- Vật- Luận, thì không có gì là thật Phải, thật
Quấy, thật thiện, thật ác một cách tuyệt đối. Có cái thiện không nên làm, có
cái ác cần phải làm, để lập lại thế quân bình. Nhưng làm việc thiện không
nên vì danh (tức là vị ngã), làm việc ác không nên vì nó mà lụy thân: cả hai
đều làm thương sinh cả.
[ii] Duyên đốc. Duyên có nghĩa là thuận; đốc là giữa. Muốn giữ được Đạo
dưỡng sinh, cần ăn ở mực thước, đừng có cái gì thái quá. No quá, đói quá
không nên; vui quá, buồn quá cũng không nên.
Nếu làm việc thiện (ám chỉ các việc Phải, việc lành) thì coi chừng, đừng để
sa vào cái bẫy của tấm lòng hiếu danh; còn làm việc chẳng phải (sai với
phép nước, sai với luân- lý đạo đức của xã hội mình đang sống) thì phải
phòng người trong xã hội trừng phạt lên án. Tránh hai lẽ cực đoan ấy, mà
dùng đến trung đạo có lẽ sẽ giữ được mình, có thể toàn được sinh mạng…
hưởng được hết tuổi trời.
Làm sai với phép nước để đến bị xã hội tru lục, đành rằng, đó là không biết
cách phòng hoạn cho bản thân, nhưng làm việc thiện, làm việc phải để
được tên tuổi vang lừng trong thiên hạ, cũng chưa phải là biết cách phòng
hoạn nữa. Bởi vậy, ở thiên Nhân Gian Thế sách Trang- tử cũng có câu:
"cây trên núi, tự nó là cừu địch của nó… cây quế ăn được, nên bị đốn. Cây
sơn dùng được, nên bị chặt." Con người mà có tài và để cho người người
đều biết mình là có tài, thì sẽ như cây sơn, cây quế… bị chặt, bị đốn.
"người ta đều biết cái lợi của hữu dụng, mà không biết cái lợi của vô
dụng."
[iii] Bào: là người đầu bếp. ở đây lấy nghề làm họ.
Đinh: là tên của người đầu bếp. (theo Chu Quế Diệu dẫn Thích Văn)