Phân biệt được sự chân- ngụy trong các thiên chương trong sách Trang tử
là việc rất gay go phiên phức. Trong quyển Trang tử tinh hoa (5) , đã có
dành riêng một chương khá đầy đủ cho vấn đề này, nên không lặp lại nơi
đây làm gì nữa.
Nay chỉ tóm lại đại- khái như sau: Nội- thiên rất khác với Ngoại và Tạp-
thiên cả về Văn- Nghệ, Tư- Tưởng và thần thái trong câu văn. Nếu Nội-
thiên do Trang tử viết ra, thì Ngoại và Tạp thiên chắc chắn do kẻ khác viết,
không thể là cùng một người được. Tuy vậy, trong Ngoại và Tạp thiên thỉnh
thoảng cũng có một vài chương mà thần- văn lạ lùng hùng- vĩ, đã chẳng
những văn hay mà tứ cũng thâm, nếu không phỉa do những kẻ có một học-
lực uyên thâm như Trang tử, chắc cũng khó lòng mà viết ra cho được.
Cho nên, một phần cũng có thể cho là chính tay Trang tử viết ra, còn phần
nhiều chắc chắn là do kẻ khác học Trang tử mà viết ra.
Như ở Ngọai- thiên, các thiên Biền- Mộu, Mã- Đề, Khứ- Cự, Khắc- ý,
Thiện- TánThiên thì văn khí bình diễn, lời nói rất tầm thường, thiển cận.
Toàn thiên chỉ có một ý, nhưng mà cứ nói đi nói lại mà thôi, dường như là
những bài sách luận của hậu học.
Thiên Thiên- Vận nói về việc Khổng- tử viếng Lão tử để hỏi Lễ thì lại
giống với câu chuyện chép ở Sử- Ký của Tư- Mã- Thiên, ta lại thấy rằng
văn trong Thiên- Vận rất tạp nhạp, khí- tượng tầm thường không sao theo
kịp văn- từ trong Sử- ký, có khi còn cao hơn một bực là khác. Cho nên,
chắc chắn thiên Thiên- Vận ở Ngoại- thiên là ngụy thơ, do kẻ hậu học thêm
vào.
Các thiên Đạo- Chích, Ngư- Phụ, Duyệt- Kiếm, Nhượng- Vương thì văn từ
thiển- bạc, những chỗ chỉ trích Khổng- tử đầy ngạo nghễ, thóa mạ chỉ nói
để cho hả hê lòng phẫn uất, không giống thần- thái của Trang tử ở Nội-
thiên.
Còn như các thiên Thiên- Đạo, Thiên- Địa, Chí- Lạc, Sơn- Mộc, Tại- Hựu
thì tư tưởng tạp nhạp, người viết có khi chưa thật hiểu tinh thần tư tưởng
của Trang tử nên nhiều khi xuyên tạc, có khi dùng lời nói mồm mép của
Nho- gia mà giảng về Trang tử.
Đó đều là những bài do các học giả theo phái Lão Trang về sau viết ra cả.