Trang Tử
NAM HOA KINH
Dịch và bình chú : Thu Giang Nguyễn Duy Cần
TỔNG BÌNH
Về quan niệm Đạo và Đức thì Trang tử và Lão tử đồng với nhau. Nhưng về
quan niệm hạnh phúc, thì Trang tử giản minh một cách rõ ràng khúc chiết
hơn trong thiên Tiêu Diêu Du này.
Trang tử cho rằng tất cả muôn vật, vật nào cũng có cái Đức của nó, do cái
Đạo nơi mình mà phát huy ra. Chữ Đức ở đây không có cái nghĩa thông
thường về luân lý như phái Nho gia đã dùng, mà nó dùng để ám chỉ cái
Tánh tự nhiên của mỗi vật, tức là chỗ mà Lão tử gọi là" kiến Tố" và Nhà
Phật gọi là " kiến Tánh"." Tánh tự nhiên" đây, tức là chỗ mà Quách Tượng
bảo " bất đắc bất nhiên"(không vậy không được), nghĩa là cái" bất đắc dĩ"
của mọi sự mọi vật… như lửa không thể không nóng, giá không thể không
lạnh. Cái động tác của Đức rất tự nhiên, không cố cưỡng, nên gọi nó là "
Vô vi".
Nếu biết thuận theo tánh tự nhiên ấy mà sống, thì hạnh phúc có ngay liền
trước mắt, không cần cầu cạnh đâu khác ngoài mình.
***
Tiêu- diêu, là "tự do tự tại", là " tự do sống theo cái sống tự nhiên của
mình" mà không phải mô phỏng theo ai khác, đèo bòng tham muốn cái
ngoài Tánh Phận của mình. Tiêu Diêu Du, là rong chơi vui thích theo ý
mình, vì đã biết" thích kỷ tự an", chứ không như người đời " xá ký thích
nhơn"[ii], điều mà Trang tử rất cực lực phản đối ở thiên Đại- Tông- Sư[iii].
Như vậy, ta thấy rằng, cái Tự Do mà Trang tử đề xướng là một thứ tự do
tuyệt đối, không lệ thuộc vào một điều kiện nào ngoài cái Bản Tánh của
mình cả. Sống theo mình là Tự Do, là Hạnh phúc; sống theo kẻ khác, là Nô
lệ, là Đau khổ.
Đại ý thiên Tiêu- Diêu- Du, có thể tạm chia làm năm điểm chánh như sau
đây: ***
I. Lớn và Nhỏ không thường: