Sao gọi là hòa hợp với thiên nghê? Là phải mà cũng là chẳng phải; phải vậy
mà cũng là chẳng phải vậy. Cái phải của ngươi, nếu quả thực là phải, thì cái
phải đó có khác gì cái không phải, cho nên cũng không biện được. Cái phải
vậy của ngươi, nếu quả thực là phải vậy, thì cái phải vậy đó có khác gì cái
không phải vậy, thành ra cũng không biện được. Hóa ra thảy đều là đối đãi,
nếu muốn không đối đãi chi bằng hòa hợp với tự nhiên (thiên nghê), nhân
đó mà lời nói của ta đặng vĩnh cửu. Quên sống chết, quên phải quấy là suốt
thông lẽ hư vô (vô cảnh), nên gửi mình vào cõi hư vô (vô cảnh).
I. Vọng lượng vấn cảnh viết: Nãng tử hành, kim tử chỉ. Nãng tử tọa, kim tử
khởi. Hà kỳ vu, đặc tháo dư?
Cảnh viết: Ngô hữu đãi nhi nhiên giả da? Ngô sở đãi hựu hữu đãi nhi nhiên
giả da? Ngô đãi xà phù điêu dực da? ô thức sở dĩ nhiên, ô thức sở dĩ bất
nhiên?
DỊCH NGHĨA:
I. Bóng lu hỏi bóng tỏ: "Nãy anh đi, giờ anh đứng. Nãy anh ngồi, giờ anh
dậy. Sao anh không có nết riêng?"
Bóng tỏ nói: ta có phải nương chờ mà như thế chăng? Hay là chỗ ta nương
chờ lại còn phải nương chờ nơi chỗ khác mà như thế chăng? Ta phải nương
chờ, như vảy rắn cánh ve chăng? Sao biết sở dĩ nó là thế? Sao biết sở dĩ nó
không phải là thế?
K. Tích giả Trang Châu mộng vi hồ điệp, hủ hủ nhiên hồ điệp dã, tự dụ
thích chí dữ bất tri Châu dã. Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Châu dã. Bất
tri Châu chi mộng vi hồ điệp dư? Hồ điệp chi mộng vi Châu dư? Châu dữ
hồ điệp, tắc tất hữu phận hĩ. Thử chi vị Vật hóa.
DỊCH NGHĨA:
Xưa Trang Châu chiêm bao thấy mình là bướm vui phận làm bướm, tự thấy
thích chí, không còn biết có Châu nữa. Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là
Châu. Không biết Châu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Châu?
Châu và bướm ắt phải có tánh phận khác nhau. Đó gọi là Vật hóa.
TỔNG BÌNH:
Như ta đã thấy ở thiên Tiêu Diêu Du, mục đích của học thuyết Trang tử là
tự do tuyệt đối.