Muốn đạt đến "tự do tuyệt đối", việc cần thiết đầu tiên là giải thoát tâm trí
ra khỏi cái vòng nhận định sai lầm của nhãn thức nhị nguyên chia phân cái
Sống Một làm hai phần rất phân biệt: tâm vật, thị phi, thiện ác, sanh tử,
vinh nhục…
Tề- Vật- Luận là phương pháp luận của Trang tử để đạt đến Tiêu diêu tự
tại. Tề- Vật tức là "nhất thiết bình đẳng" nghĩa là vạn vật đều ngang bằng
nhau cả, ngang nhau về phẩm, như ta đã thấy ở Tiêu Diêu Du.
Thật vậy, nếu không có được cái nhãn quang nhìn thấy sự "nhất thiết bình
đẳng" trong các sự vật thì ắt phải có chỗ chọn lựa, nghĩa là còn có chỗ "lấy
bỏ"[xcix], có chỗ ưa ghét. Lấy cái gì, bỏ cái gì? Lấy cái tốt, bỏ cái xấu; ưa
cái hay, ghét cái dở. Và nhân thế mới có sự thiên lệch và nô lệ theo một
bảng giá trị chủ quan nào về sự vật. Có cái "phải" đối với ta ngày nay,
nhưng qua ngày mai nó sẽ không còn "phải" nữa. Có món hợp với ta,
nhưng lại không hợp với người khác. Có việc hợp với người này, lại không
hợp với người kia. Một vấn đề tương đối và tạm thời. Nhưng sai lầm và
nguy hiểm là khi nào ta lại nhận nó là một chân lý tuyệt đối, nghĩa là một
chân lý bất di bất dịch và chung cho bất cứ ở thời gian hay không gian nào.
Cho nên mới nói rằng: ‘có chỗ ưa ghét, có chỗ lấy bỏ, thì không còn gọi là
tự do tuyệt đối nữa."[c]
Tóm lại, người thật là tự do, biết trong sự tiêu diêu tự tại trong bản tính là
người phải biết "xem bằng"[ci] thị phi, thiện ác… không chịu sống nô lệ
bất cứ một bảng giá trị về thị phi, thiện ác của một chế độ luân- lý nào cả.
Nên biết rằng họ không phải là người "vô luân- lý" như người ta đã hiểu
lắm mà là một hạng người đã vượt lên trên tất cả mọi thứ luân- lý tầm
thường chật hẹp: họ là hạng người không còn tư tâm tư dục nữa, nghĩa là
hạng người "vô kỷ", "vô công" và "vô danh"[cii]
-----------------------------------------------------
Nam- Quách Tử Kỳ
Chữ(Cơ) ở đây, phải đọc là kỳ. Nam- Quách là thành phía Nam, nhân lấy
chỗ ở mà đặt hiệu.