đoạn thơ của mình. Có lẽ cũng từ đó mà ông mang biệt danh Ni man Okina
– Nhị Vạn Lão Sư – biệt danh nói lên sức sáng tác đặc biệt của ông.
Cũng vào thời gian này, Saikaku quay sang viết tiểu thuyết, tuồng và ghi
lại những nhận xét của mình về hoạt động sân khấu Nhật Bản. Ông thường
viết về những diễn viên trẻ đương thời, về những nét đặc biệt trong cuộc đời
của họ. Nhưng chính trong lĩnh vực tiểu thuyết mà Saikaku đã trở thành
khuôn mặt nổi tiếng của lịch sử văn học Nhật Bản, vì nó phản ánh đặc sắc
tâm lý thị dân Nhật thời đại đó.
Bước vào thời cận đại – thương nghiệp và cùng với đó là đô thị phát triển
– Kyoto, Edo, Osaka,… trở thành những trung tâm kinh tế quan trọng, nhất
là từ khi Sứ quân Hideyoshi chọn Osaka làm thủ đô năm 1583. Từ những đô
thị này, nhất là từ Osaka, phát sinh một tầng lớp thị dân đông đảo và từ tầng
lớp thị dân này nảy sinh một thế giới quan mới, một thế giới quan hướng về
một cuộc sống giàu có, hạnh phúc, cuộc sống mà nước Nhật Bản thời Trung
đại đã biết. Giờ đây, ngược lại với Bushi-do (đạo của võ sĩ) vốn phổ biến
rộng rãi khắp nước Nhật phong kiến dưới ách Sứ quân, là Chomin-do (đạo
của thị dân) mà trong đó điểm nổi bật là lòng khao khát đi tìm hạnh phúc cá
nhân trong tình yêu. Là người phát ngôn của tầng lớp thị dân đó, Saikaku đã
thể hiện trong tiểu thuyết của mình không phải những hiệp sĩ ước lệ, những
tiết phụ khuôn sáo mà là những thương nhân, những người bán hàng rong,
nhà nghệ sĩ, người hành khất, những chàng trai và nhất là những phụ nữ, từ
những tiểu thư khuê các cho đến các cô gái làng chơi, tất cả đều là những
con người đích thực. Những con người đang yêu hoặc khao khát đi tìm một
tình yêu, đi tìm một cuộc sống hạnh phúc không phải ở đời sau mà ngay
chính trong cuộc đời trần thế này của họ.
Nếu cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Saikaku – cuốn Người đàn ông si tình –
được đánh giá là tác phẩm hiện thực nhất của ông thì cuốn Năm người đàn
bà si tình được công chúng xem là đầy chất tưởng tượng và thơ mộng hơn.
Dầu là hiện thực hay thơ mộng, những tác phẩm của Saikaku phần lớn đều
chấm dứt bằng số phận bi thảm của các nhân vật trong truyện: kẻ chết,
người quyên sinh, kẻ thì phải xuất gia… Bởi lẽ tầng lớp thị dân Nhật Bản