phòng, mấy bà tự trải quần áo ra phơi ngay trước tượng Phật. Người ta nằm
la liệt trên sàn, người này gối đầu lên thân người kia. Nhiều bà vợ bước đại
qua đầu chồng. Đến sáng hôm sau chiếc thùng đựng chuông chùa biến thành
chậu giặt quần áo, còn những tách trà lớn thì được lấy làm chén ăn cơm. Tuy
nhiên, đức Phật đã từ trên cao nhìn xuống, với một nụ cười bao dung, hỉ xả.
Bà mẹ để mắt trông chừng Oshichi, bà dặn: “Đời này hay lừa đảo lắm,
ngay cả trong giới thầy tu đi nữa. ”Và tuy cẩn thận thế, bà vẫn không gặp
may.
Đêm nọ, một cơn mưa dữ dội ập đến làm những người tị nạn cực kỳ khốn
khổ. Thương hại họ, nhà sư trông coi đồ đạc trong chùa đem hết quần áo, vải
vóc dư trong chùa cho dân chúng mượn. Trong số đó có một bộ áo dài phụ
nữ bằng lụa đen, thêu lá và hoa, với một đường chỉ đỏ chạy quanh thân dưới,
giống như một lối đi bao quanh ngọn núi. Hình thêu đó đối với Oshichi
dường như có một ý nghĩa đặc biệt. Nó càng tăng thêm vẻ huyền ảo bởi mùi
trầm hương thoang thoảng trong chùa.
“Không biết đó là của cô gái nào đã rời bỏ thế giới này, để lại cho đời sau
nhìn ngắm? Cô gái này có lẽ cũng cùng tuổi với mình, thế mà bất hạnh thay!
Mình không biết nàng, nhưng chắc số phận của nàng cũng là số phận của kẻ
hồng nhan. Cuộc đời chẳng qua là một giấc mộng, chẳng có gì là đáng giá,
chỉ có sự giác ngộ, chỉ có cuộc đời sau là thực mà thôi.”
Lòng sầu não, Oshichi bèn mở xách của mẹ lấy ra chuỗi tràng hạt cầm
tay. Nàng tụng đi tụng lại kinh Liên Hoa. Nhưng đang lúc niệm kinh thì
nàng bỗng chú ý thấy một thiếu niên võ sĩ, một tay đang cầm cây nhíp bạc,
cố gắng nhổ một cái dằm cắm đâu đó nơi ngón cái của bàn tay phải. Dưới
ánh hoàng hôn chập choạng, chàng ta loay hoay mãi mà không nhổ được.
Bà mẹ Oshichi thấy vậy không chịu được, bảo chàng ta lại gần để bà nhổ
hộ. Bà cầm cây nhíp và cố gắng một lúc cũng không tìm được cái dằm, vì bà
đã lớn tuổi, mắt cũng chẳng trông rõ gì.
Thấy mẹ mình và chàng trai cực nhọc như vậy Oshichi nghĩ rằng cần phải
có một đôi mắt trẻ, khỏe như mắt nàng mới thấy được cái dằm. Tuy nhiên,