dành cho các cô các bà dự lễ. Thật vui mắt khi nhìn những người phụ nữ
thượng lưu mừng lễ bằng cách treo những bài thơ lên cành đỗ tùng, những
người nghèo thì trang hoàng nhà bằng những cành hoa hoặc những trái hồng
trước cửa theo phong tục ngày ấy.
Ngày lễ này là một dịp đặc biệt cho xóm giềng quen nhau bởi vì mọi
người cùng tham dự vào việc vét giếng chung. Những người sống ở những
ngôi nhà thuê phía bên kia đường làng đều tham dự, đàn bà thì nấu nước sôi
pha trà cho thợ vét giếng. Khi làn nước bẩn ở đáy giếng được vét hết đi,
nhiều đồ vật linh tinh hiện ra lẫn với cát, sỏi: con dao bếp này, một bó rong
trong có cây kim xuyên qua
này. Vét thêm lần nữa, lại gặp nhiều thứ
khác: một con búp bê mất đầu, một chuôi gươm hoen rỉ, một núm vú cao su
trẻ em…
Thế rồi, trong khi vét giếng, một chiếc thùng gỗ bị bứt niềng, họ bèn đem
đến người thợ đóng thùng nghèo khổ mà ta đã nói ở đầu chuyện, nhờ anh
đóng niềng lại. Anh ta đóng niềng xong, bỗng thấy một người đàn bà già
đang ngồi gần đó, lưng còng, tay vuốt ve một con kỳ nhông còn sống.
Anh hỏi là con gì vậy, mụ ta trả lời: “Đây chính là một con kỳ nhông vừa
mới được vớt từ giếng lên. Cậu không biết đây là con kỳ nhông à? Nếu cậu
bỏ con kỳ nhông này vào trong ống tre rồi đốt cháy đi, đem tro đó rắc lên
mái tóc người mà cậu yêu thì người đó sẽ yêu lại cậu ngay.” Mụ ta nói vẻ rất
chắc chắn.
Mụ này vốn là một người làm nghề phá thai ở hồ Myoto, sau bị cấm, mụ
bỏ cái nghề độc ác đó và làm nghề xay bột kiếm ăn. Nghề này tay làm hàm
nhai, mụ làm việc vất vả suốt ngày, không còn đâu thì giờ nghe kinh nghe
kệ. Tuy vậy, càng tụt dần trong nấc thang xã hội thì mụ càng hiểu về nghiệp
chướng và càng nghĩ đến kiếp sau nhiều hơn.
Khi mụ giảng cho anh thợ đóng thùng nghe về nhân quả, thiện ác đáo đầu
gì gì đó, anh ta chẳng thèm nghe. Anh chỉ gặng hỏi mụ chuyện đốt cháy con
kỳ nhông có thực giúp cho người ta trong việc chiếm đoạt tình yêu hay
không mà thôi.