hương đã làm chàng ray rức, chàng phải cố gắng gạt bỏ tất cả ra khỏi tâm
trí để cho lòng lặng yên như mặt hồ trong những đêm chàng tọa công.
Chàng nhớ đến Uyển Thanh, và nàng như một động lực thôi thúc chàng
vươn lên. Trong lòng chàng, Uyển Thanh như một người em gái, chàng
thấy mình nhớ thương nàng một cách êm đềm, nhưng sự nhớ thương ấy
không chỉ tập trung vào một mình Uyển Thanh mà còn nhớ thương đến cả
những người thân thích nữa: Đoàn Lục thúc, Dưới... ngay cả từ chòm cây,
lối cỏ, những ký ức của một thời thơ ấu. Ôi mảnh trời quê hương kỳ diệu ấy
! Ôi mảnh đất giờ đây đầy thống khổ !
Mỗi lần thấy chàng tư lự, Bảo Thư thường hỏi han, trò chuyện giúp chàng
khuây lãng, khuyến khích, an ủi chàng. Đối với anh em của Vân Hạc,
chàng cũng yêu quý như Uyển Thanh. Trái tim chàng nồng nàn một tình
cảm thanh khiết. Vân Hạc, Bảo Thư cố không nhắc gì đến quê hương
thống khổ của chàng. Bảo Thư, đúng như tên của nàng, là một cô gái xinh
đẹp, tính tình đôn hậu, sâu sắc, yêu thích thi phú, ngoài võ học được cha,
bác tinh luyện cho, nàng vẫn giữ nguyên được cái cốt cách văn nhân trong
đời sống, cái dịu dàng ôn nhu của nàng dễ làm cho mọi người quý mến.
Một lần Bảo Thư và Vân Hạc đến thăm Nguyên Huân lúc chàng đang đọc
sách ở thư phòng, nhìn thấy bài thơ và bản dịch của chàng treo trên vách,
Bảo Thư thích thú nói với Vân Hạc:
- Huynh trưởng, huynh trưởng xem này, bài thơ đẹp quá, nét chữ của Huân
đệ như phượng múa vậy. Tiểu muội không ngờ Huân đệ viết đẹp không
thua gì chữ trong Lan Đình thiếp đấy! Úi cha, chữ nghĩa gì mà ta không
hiểu chi cả. Huân đệ! Đúng là chữ Hán, nhưng xem ra cũng không phải !
Nguyên Huân mỉm cười bảo:
- Tỷ tỷ! Chữ của Đại Việt đấy! Ở quê hương đệ, gọi nó là chữ Nôm. Vì chữ
riêng này gần 2000 năm trước đã bị kẻ thù xóa sạch, đốt sạch, cấm đoán,
lâu ngày không ai còn nhớ, nên lấy chữ Hán mà tạo thành để ghi những
ngôn ngữ của người Đại Việt.
Bảo Thư hồn nhiên nói:
- Ái chà ! Huân đệ đọc cho ta nghe đi!
Nguyên Huân bước lại gần đọc: