chiến. Những người trước đây vẫn đóng vai bán báo, bán rau hay bán sữa và
đi lại đàng hoàng trên hè phố Bông-vin nay phải lẩn tránh để khỏi lọt vào
cặp mắt cú vọ của tên chỉ điểm.
Thêm vào đó là sự hoạt động của chính bản thân tên đại tá Gác-ne. Lão
là một tên Giét-ta-pô cáo già nhiều kinh nghiệm được đặc phái về những địa
phương mà tình hình phức tạp nhất. Lão lập tức bãi bỏ giờ làm việc ở trụ sở
quân chính, huỷ lệnh tuần tra ban đêm và sự nới tay này đã được lòng một
số nhân dân. Lão còn phóng thích nhiều tù phạm, trong đó có khá đông bọn
phạm tội hình. Phần lớn bọn này đã bị lão mua chuộc làm tay sai.
Cách đây mấy hôm du kích đã vớ được bản báo cáo của Gác- ne gửi về
Béc-lanh, trong đó lão cam đoan rằng thời gian sắp tới sẽ thủ tiêu hết các thủ
lĩnh kháng chiến nổi tiếng nhất và nói xa xôi rằng lão đã may mắn mò ra dấu
vết của một tổ chức bí mật gì đó nằm ngay trong hàng ngũ quân đội Đức.
Tên đại tá khen ngợi công lao của Mây-e là nhờ có tên này mà lão đã bí mật
theo dõi được các cán bộ lãnh đạo kháng chiến.
Gác-ne hành động hết sức cẩn thận. Sau vụ dự kiến đặt mìn định phá đổ
trụ sở Giét-ta-pô không thành, lão đã dời chỗ làm việc sang nơi khác mà
không ai biết và chỉ thò mặt ra phố khi có cả một bầy lính SS, đeo tiểu liên
hộ vệ và có Mây-e bám sát gót.
Gác-ne ăn trưa tại tiệm ăn Xa-voa của sĩ quan Đức, được canh phòng
cẩn mật đêm ngày.
Rõ ràng là cần phải trừ khử Gác-ne và Mây-e. Nếu không thì có thể
đoán trước rằng toàn thể Bộ tham mưu du kích sẽ bị tóm hết.
Hen-rích mải suy nghĩ đến nỗi không nghe thấy tên lính hầu đã quay
về.