thuê làm mướn cho thằng rể tôi. Tôi hãy còn mạnh, tôi có thể lên đồi hái
củi, mót lá, đi hốt phân hay trông nom mấy đứa nhỏ, lau nhà, nhóm lửa. Tôi
có thể làm lụng kiếm cơm qua ngày!
Nhưng người con cười, cay đắng:
— Mẹ tưởng là con không nghĩ tới chuyện đó? Năm ngoái, con đã viết
thơ, chịu tiền cho tụi nó nuôi mẹ. Nói thật mà nghe, vợ con không muốn mẹ
ở chung trong nhà, bởi vì mẹ không chịu học hỏi để hòa mình với nếp sống
mới. Nhưng nhà tụi nó đông trẻ con không thể rước mẹ về ở chung được.
Khi nghe những lời này, bà mẹ bỗng trở nên im lặng. Trước đây, mỗi khi
bà giận con trai hay con dâu, bà thường nói với đám bồi bếp và ngay cả
khách khứa hay những người bán dạo là bà còn một đứa con gái có đất
vườn ở quê, bà có thể đến ở với nó nếu bà không thích ở đây với con trai và
con dâu. Nhưng bây giờ thì bà không còn nói như thế được nữa. Nếu bà nói
như vậy, con trai bà sẽ chê cười bà hơn. Vì nó đã chịu gởi tiền cho người ta
để tống khứ bà đi, nhưng người ta không nhận. Bà cúi gầm đầu xuống lắng
tai nghe người con nói tiếp:
— Má thấy không, vợ con là người có học, là người văn minh, còn mẹ là
người quê mùa dốt nát. Con có thể nói sự thật ra đây vì chỉ có hai mẹ con
mình trong phòng. Con của chúng con phải được giáo dục theo thời buổi
tân tiến. Con muốn như vậy. Nhà cửa con cũng không thể giống ngôi nhà cũ
của mẹ. Bây giờ không ai khạc nhổ tứ tung dưới đất, cũng không cho gà vịt
chạy tùm lum vô trong nhà! Con của chúng con không thể ăn vặt những
món mà ngày xưa mẹ đã cho con mẹ ăn.
Bà mẹ kêu lên:
— Chính con cũng là con của mẹ.
Nhưng người con lạnh lùng đến độ tàn nhẫn:
— Nhưng con không muốn chỉ còn có ba đứa con trong khi sanh tới bảy
lần như mẹ.
Đến đây bà mẹ vươn mình lên trừng mắt nhìn con, giọng nghẹn ngào:
— Trời ơi! Mày buộc tội mẹ mày giết con hả?
Người con không giữ được bình tĩnh nữa, gằn giọng:
— Con buộc tội mẹ về sự ngu dốt và không chịu học hỏi!