sẽ ý thức được tất cả mọi việc xảy ra quanh mình. Nhưng cô sẽ thoải mái
đến mức cô sẽ đến với những ký ức mà cô thường không nhớ được. Nó sẽ
giống như cô đang mở một két đựng tài liệu ở trong đó, ngay trong bộ não
của cô. Và cuối cùng, cô sẽ mở được ngăn kéo và lấy tập hồ sơ đó.
- Đó chính là phần tôi không tin. Tôi không tin việc thôi miên sẽ buộc
tôi nhớ lại.
- Không phải buộc cô nhớ lại. Nó sẽ giúp cô.
- Thôi được, giúp tôi nhớ lại. Việc này không thể giúp tôi lấy lại
những ký ức mà chính tôi không lấy lại được.
Polochek gật đầu.
- Đúng, cô nên hoài nghi. Việc đó có vẻ như không khả thi. Nhưng đã
có những ví dụ về việc trí nhớ của chúng ta có thể bị chặn lại như thế nào.
Nó có tên là Quy luật về Hiệu ứng Tự vệ. Cô càng cố nhớ việc gì thì cô
càng ít có khả năng nhớ lại. Tôi chắc cô đã tự chiêm nghiệm quy luật đó.
Tất cả chúng ta đều đã trải qua. Ví dụ như cô thấy một nữ diễn viên nổi
tiếng trên ti vi và cô biết tên cô ấy. Nhưng cô không thể nhớ cái tên đó. Nó
khiến cô phát điên lên. Cô mất một tiếng liền, lục trong trí óc mình để tìm
tên cô ấy. Cô tự hỏi, không biết mình có mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu
không. Hãy cho tôi biết chuyện đó cô gặp chưa?
- Suốt ngày - Giờ Catherine cười. Rõ ràng là cô thích Polochek và
thấy thoải mái khi nói chuyện với anh. Đó là khởi đầu tốt.
- Cuối cùng, cô cũng nhớ ra tên của diễn viên đó, đúng không?
- Đúng.
- Và chuyện đó thường xảy ra khi nào?
- Khi tôi không quá cố gắng nhớ lại. Khi tôi thấy thoải mái và nghĩ về
chuyện khác. Hay khi tôi nằm trên giường, chuẩn bị đi ngủ.