— Thôi bác đừng có nói gở như là một mụ Digan bói toán nữa. Đôi mắt
bác vẫn ánh lên sự sống đấy.
Trobo bắt đầu gại gại cây đàn, kéo những nốt chạy gam đầu tiên.
— Cháu hãy ra đứng gần ở cửa sổ kia. - Giọng người già mỏi mệt.
Iđo ngạc nhiên lắng nghe. Trobo mà kéo viôlông ư? Thế mà chưa bao
giờ nàng nghe chàng nhắc đến.
Chàng chơi trôi chảy mượt mà. Có lúc chàng ngừng lại hỏi ông già xem
ông sống bằng tiền gì. Ông có thiếu tiền không?
Ông già trả lời rằng ông cũng có lo lắng cho tuổi già của ông. Ông còn
ba mươi bức tranh chưa bán. Tối nào Janchi cũng mang bánh mì, nước và
các thứ khác đến cho ông. Nếu như tiền sắp hết, anh ta lại mang đi một cái
tranh, bán cho một người Đức nào đó không cần biết tên lấy một trăm mác.
— Còn đủ cho đến khi bác chết!
Trobo lại chơi một bản nhạc mà Iđo nhận được ra, đó là “Bài ca của
Sôbri”. Iđo kinh ngạc nghe bàn tay điêu luyện của Trobo đang múa trên cây
đàn. Sau đó đến bài “Con sáo vàng bây giờ đã rụng lông”, rồi hai bài nữa
mà Iđo không biết. Nàng lại nhận ra một bản nhạc trữ tình phóng khoáng
của Lixt Ferenx. Nàng nhớ lại bài hát con sáo vàng mà cô gái Fozeko đã
đánh pianô cho nàng nghe, khi không có nữ tu nào trong phòng tập đàn.
Thứ bẩy tuần đó, cả hai chị em đều xưng tội:
“Tôi đã đánh đàn bài hát ngoài đời”.
Bài hát này Iđo đặc biệt ưa thích, ngón tay nàng cũng cựa quậy như là
nàng đang ngồi trước pianô vậy.
— Hay quá, - ông già thốt lên. - Giá mà ngày nào cháu cũng đến đây
đánh đàn cho bác nghe nhỉ. Nghe các bài dân ca, trữ tình bao giờ quá khứ
cũng trở lại. Quá khứ ta nên cho đi qua, nhưng những gì đẹp đẽ thân thiết
thì nên gợi lại.
— Cháu sẽ đến thăm bác nếu có thì giờ.