Nàng buồn rầu nhìn con sông Cống, dòng nước chẩy đi cũng như thời
khắc cuối cùng của tôi với nàng. Nhẹ nhàng, tôi kéo Hậu lại gần tôi, dỗ
dành an ủi nàng hứa sẽ luôn luôn về thăm.
Ngày hôm sau, Hậu cùng với ông bà Ba và cậu con tiễn tôi ra ga.
Nàng mắt đỏ lên như mới khóc, tha thiết nhìn tôi, như muốn cùng tôi khoác
tay âu yếm. Nhưng có ông bà Ba cùng đi, nên hai chúng tôi chỉ yên lặng
ngậm ngùi. Ðến một chỗ rẽ khuất sau bụi rưới, tôi thong thả đi lùi lại.
Nhanh nhẹ, Hậu ôm vội lấy tôi, kê miệng đến môi tôi, hôn một cái hôn cuối
cùng, thất vọng và chứa đầy những lệ.
Ðến ga, trong đám người tấp nập, Hậu buồn rầu đứng yên. Tôi thấy
trong đôi mắt cái vẻ đắm đuối của nàng. Tôi hứa với nàng sẽ gửi thư về
luôn, sẽ nhớ đến nàng. Nhưng trong thâm tâm, tôi thấy bồng bột, vui tươi.
Còn Hậu thì đứng lặng, tê tái và ủ rũ, khoé mi rớm nước mắt, lòng thắt lại
bởi thất vọng và nhớ thương.
Tiếng còi vang lên, bọn hành khách xô đẩy tranh giành. Tầu đến, tôi
cúi chào ông bà Ba, ẵm cậu bé lên hôn, rồi đưa mắt nhìn nàng. Lúc lên tầu,
quay lại tôi thấy bóng dáng Hậu lẫn vào đám người nhà vẫn đứng yên trên
sân ga vắng. Một bụi cây, chỗ rẽ, rồi cánh đồi che lấy cái ga nhỏ bên
đường.
Hơn ba năm đã qua.
Tôi đã không giữ lời hứa. Từ hôm về đến Hà Nội, tôi không viết lá thư
nào cho nàng. Nhiều bận tôi đã lấy giấy mực ra định viết, nhưng lại thôi.
Cái kỷ niệm tôi giữ được của vườn chè và người thiếu nữ dần mờ đi trong
trí nhớ, nhường chỗ cho một hình ảnh mơ màng, một hình ảnh lung linh,
dịu dàng và xa xôi, khiến lắm lúc tôi nghĩ tưởng đến một chuyện tình ái
ngây thơ, tôi đã mơ thấy trong một mảnh vườn dưới ánh nắng mùa hè.