Cũng nên nói qua về mẹ tôi một tý. Mẹ tôi quê ở Tõm Cầu. Học sư
phạm xong thì lên Sà Phì công tác. Lúc ấy cha tôi đóng quân ở đây. Hai
người quen rồi lấy nhau. Cha tôi quê ở Khu 4, nhưng lại không nói tiếng trọ
trẹ. Sau này khi lớn lên nghe mọi người kể lại cái đầu tôi cũng ngộ ra nhiều
điều, nhưng cũng có những thứ thắc mắc mà không biết lý giải ra sao. Nghe
tin cha tôi lấy vợ giáo viên, và ở lại miền núi, ông nội phản ứng dữ dội. Có
hai điều, một là lấy vợ giáo viên không hợp với nông dân. Thứ hai là ông
nội tôi bắt cha tôi hết nghĩa vụ phải về quê, chứ ở trên đồng rừng nó ngu
người đi. Cha tôi không nghe ông. Hai người cãi lộn. Đúng là cha nào con
nấy! Khi ấy mẹ tôi cũng theo cha về quê, không biết nói câu gì mà ông nội
chỉ tay vào mặt cha quyết một câu đanh thép:
- Mày lấy nó thì đừng có vác mặt về cái nhà này nữa.
Từ đó mẹ tôi không bao giờ về quê nội, cũng chả buồn về quê ngoại.
Chỉ có cha tôi sau này thỉnh thoảng vẫn về, nhưng chủ yếu ra Hà Nội vì họ
mạc ở đây đông lắm. Có vài lần tôi theo cha về quê, thấy hai người vẫn lỳ
ra với nhau. Cha chào, ông nội coi như không nghe thấy. Tôi hỏi cha sao
không bao giờ thấy mẹ về cùng, cha tôi nói sẵng:
- Chưa ngoan, chưa được về quê.
Lòng tôi đầy mặc cảm nhưng không dám hỏi thêm. Chuyện của người
lớn biết đâu đấy. Thỉnh thoảng tôi cũng nghe hai người to tiếng. Có lần cha
bàn về quê. Mẹ bảo: "Bao giờ bố anh nói lại tôi mới về". Cha bảo: "Dù sao
họ cũng là bố mẹ tôi. Tôi hỏi cô; ở cái nhà này ai là chủ?". Mẹ nói: "Thế tôi
thì là cái gì?". Cha bảo: "Tôi quyết, cô không được cãi". Mẹ nói: "Thế thì
càng không bao giờ". Riêng chuyện này tôi biết cha tôi không "quyết"
được, nhưng mà hậm hực lắm. Tôi hay để ý mẹ. Nhiều lúc thấy mẹ đứng
buồn một mình, hai mắt đau đáu nhìn về phương xa, nơi xa ấy có phải là
quê không? Những lúc ấy chắc lòng mẹ đau như cắt. Có người rủ về quê
ngoại, mẹ tôi buồn. Lắc đầu.